Ngày 27/12/2024, với tỉ lệ phiếu bầu 192-0 (100% tán thành), đánh dấu lần đầu tiên một quyền Tổng thống bị Quốc hội Hàn Quốc luận tội.
Ông Han bị luận tội chưa đầy hai tuần sau khi ông lên thay Tổng thống Yoon Suk Yeol nắm quyền lãnh đạo Hàn Quốc. Ông Yoon trước đó cũng bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội vì lệnh thiết quân luật bất thành vào đêm 3/12.
Trong làn sóng "giận dữ", ngày 26/12, Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc (DP) với 170/300 ghế tại Quốc hội đã trình kiến nghị luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo, khi ông này từ chối bổ nhiệm thêm thẩm phán vào Toà án Hiến pháp cho việc luận tội Tổng thống Yoon.
Ông Yoon Suk Yoon (Ảnh: AP)
Đảng DP đã trình lên Quốc hội bản kiến nghị dựa trên nhiều căn cứ luận tội ông Han, bao gồm việc ông này tham gia trong quá trình tuyên bố thiết quân luật, cũng như từ chối ban hành hai dự luật đặc biệt nhắm vào Tổng thống Yoon Suk Yeol và Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.
Cũng giống như quy trình luận tội của ông Yoon, sau khi kiến nghị luận tội của ông Han được thông qua, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc có 180 ngày để ra phán quyết luận tội.
Phiên tòa luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bắt đầu vào ngày hôm nay 27/12 với thủ tục chuẩn bị các lập luận và nộp tài liệu.
Khủng hoảng chính trị Hàn Quốc diễn biến trầm trọng
Việc luận tội quyền Tổng thống Han Duck-soo đã đẩy Hàn Quốc vào tình trạng thiếu hụt lãnh đạo chưa từng có, khiến Bộ trưởng Tài chính phải kiêm nhiệm cả chức vụ Tổng thống và Thủ tướng, đánh dấu lần đầu tiên nền chính trị Hàn Quốc rơi vào tình trạng như vậy.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, cả Tổng thống và quyền Tổng thống đều bị luận tội cùng một lúc.
Việc ông Han bị phế truất khỏi chức vụ làm dấy lên lo ngại sẽ làm sâu sắc thêm khoảng trống lãnh đạo của Hàn Quốc khi đất nước đang tìm cách vượt qua nền kinh tế trì trệ và những bất ổn chính trị và ngoại giao trước thềm ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào tháng tới.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, cả Tổng thống và quyền Tổng thống đều bị luận tội cùng một lúc. (Ảnh: Yonhap)
Hiện tại, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế Choi Sang-mok, người đứng thứ ba trong danh sách quyền lực, sẽ nhậm chức không chỉ với tư cách là quyền Tổng thống mà còn là quyền Thủ tướng.
Sự thay đổi này khiến ông Choi phải đảm nhiệm ba vai trò đầy thách thức cùng một lúc, trong bối cảnh Quốc hội ngày càng chia rẽ và một loạt các thách thức về kinh tế và ngoại giao.
Vẫn chưa rõ liệu ông Choi, một khi đã nắm giữ vị trí cao nhất, có thực hiện quyền hạn của một tổng thống, bổ nhiệm ba thẩm phán trong số 9 thành viên của Tòa án Hiến pháp hay không, một vấn đề được các đảng đối thủ coi là rất quan trọng, vì một ghế thẩm phán đầy đủ được coi là làm tăng khả năng ông Yoon bị phế truất.
Tòa án cần sự chấp thuận của ít nhất 6 thẩm phán để duy trì việc luận tội Tổng thống.
Nắm giữ 192 trong tổng số 300 ghế trong quốc hội, cùng với các đảng đồng minh, DP cũng có thể luận tội ông Choi nếu ông này từ chối bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp.
Nếu ông Choi và bốn thành viên Nội các khác cũng bị luận tội và đình chỉ nhiệm vụ, Nội các sẽ không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu là 11 thành viên để triệu tập một cuộc họp chính thức.
Trong trường hợp đó, bất kỳ dự luật nào được Quốc hội thông qua sẽ tự động trở thành luật và có hiệu lực sau thời hạn được chỉ định, nếu không có quy trình công bố hoặc yêu cầu quốc hội xem xét lại.
Bộ trưởng tiếp theo sẽ đảm nhiệm chức vụ tổng thống nếu ông Choi bị luận tội là Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho, kế đến là Bộ trưởng Khoa học Yoo Sang-im, Bộ trưởng Ngoại giao Cho Tae-yul và Bộ trưởng Thống nhất Kim Yung-ho.
Ngày 27/12, đội ngũ luật sư của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tham dự phiên điều trần đầu tiên tại Tòa án Hiến pháp để xem xét việc luận tội ông.
Phiên tòa sẽ tập trung làm rõ lệnh thiết quân luật mà ông Yoon đã đưa ra và những tranh cãi liên quan.
Tòa án Hiến pháp có thời hạn 180 ngày để quyết định việc phục chức hoặc cách chức ông Yoon. Nếu ông bị cách chức, một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Theo ông Seok Dong-hyeon - luật sư đại diện của ông Yoon, hai thành viên trong đội ngũ bào chữa đều là những chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm: một người từng là công tố viên và một người từng là phát ngôn viên của Tòa án Hiến pháp.
Lệnh thiết quân luật được ông Yoon ban hành vào ngày 3/12 đã gây chấn động chính trị trong nước và lo ngại từ cộng đồng quốc tế. Ông Yoon giải thích rằng biện pháp này nhằm giải quyết bế tắc chính trị và đối phó với "các thế lực chống nhà nước". Lực lượng đặc biệt đã được triển khai đến Quốc hội, ủy ban bầu cử và các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 giờ sau khi ban hành, lệnh này đã bị Quốc hội bác bỏ với 190 phiếu phản đối. Trước áp lực lớn, ông Yoon buộc phải hủy bỏ lệnh.
Phiên điều trần đầu tiên tại Tòa án Hiến pháp không chỉ là bước đi quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng mà còn được xem là sự kiện mang tính lịch sử, đánh dấu một trong những thời điểm chính trị căng thẳng nhất của Hàn Quốc kể từ cuộc cải cách dân chủ năm 1987.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!