Đây là cảnh báo được rút ra từ báo cáo do Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ mới công bố.
Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển vào tháng 5 vừa qua đã vượt ngưỡng 420 ppm. Con số này cao hơn 50% so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và cao nhất từ trước đến nay.
Giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, nói: "Chúng ta liên tục chứng kiến nồng độ CO2 tăng cao kỷ lục. Và xu hướng tiêu cực này vẫn sẽ tiếp diễn nếu chúng ta không sớm hành động".
CO2 là một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí này tồn đọng trong bầu khí quyển tạo thành bẫy nhiệt và gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Khí CO2 có thể tồn tại trong bầu khí quyển và các đại dương trong hàng nghìn năm. Nguyên nhân khiến lượng khí CO2 tăng cao kỷ lục là do con người gây ra, đặc biệt là thông qua các hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giao thông, sản xuất xi măng hoặc phá rừng.
Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới. (Ảnh: Alamy)
Điều này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như những đợt sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt chưa từng thấy, từ đó sẽ gây ra những tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng
Chính vì vậy, các chuyên gia về khí tượng kêu gọi con người cần biến cam kết thành hành động, từ đó cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.
Giáo sư Petteri Taalas khẳng định: "Vào thời điểm này, chúng ta cần phải mau chóng hành động vì tương lai của chúng ta. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách không giới hạn, nhiệt độ Trái đất có thể cao hơn 4°C vào cuối thế kỷ này. Còn nếu chúng ta nhanh chóng hành động cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ sẽ chỉ tăng 1,5°C".
Tổ chức Khí tượng thế giới cho rằng nếu muốn tránh được thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, ưu tiên hàng đầu phải là giảm lượng khí thải CO2 gây ô nhiễm trong thời gian sớm nhất có thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!