Jens Stoltenberg, chính trị gia người Na Uy, Tổng Thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ từ chức vào cuối tháng 9 tới sau 9 năm đảm nhiệm chức vụ này.
Nhiều thành viên liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương muốn việc kế nhiệm của ông Stoltenberg được giải quyết trong, hoặc thậm chí trước hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Litva vào giữa tháng 7. Điều đó không mang lại cho 31 quốc gia thành viên NATO, từ Mỹ tới thành viên mới Phần Lan đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều thời gian để củng cố sự đồng thuận cần thiết để chọn ra một nhà lãnh đạo mới. Họ cũng có thể yêu cầu ông Stoltenberg gia hạn nhiệm kỳ lần thứ tư.
Bất cứ ai nắm quyền lãnh đạo NATO vào thời điểm này sẽ phải đối mặt với thách thức kép là giữ các đồng minh cùng hỗ trợ Ukraine trong khi đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.
Cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã phát biểu tại một cuộc họp báo trong tháng 5 rằng các đồng minh không nên vội vàng đưa ra quyết định.
"Trong tương lai, tân Tổng Thư ký NATO phải đáp ứng hai yêu cầu: thứ nhất là có thể duy trì sự thống nhất trong liên minh và thứ hai là có thể nói ngôn ngữ cứng rắn với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và các lãnh đạo khác đang đe dọa liên minh", ông Rasmussen nói.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace tuần trước tuyên bố rằng ông thích công việc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số chính phủ thúc đẩy NATO có nữ Tổng Thư ký đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký.
Mặc dù có vai trò rất công khai, cuộc cạnh tranh cho vị trí tân Tổng Thư ký NATO này dường như không rõ ràng, chủ yếu diễn ra trong những cuộc tham vấn giữa các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao. Những cuộc tham vấn đó tiếp tục cho đến khi tất cả các thành viên NATO đồng ý rằng họ đã đạt được sự đồng thuận.
Và một số nước thành viên NATO, đặc biệt là Pháp, kỳ vọng, lãnh đạo mới sẽ đến từ một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, hy vọng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU. Một số quốc gia đồng minh cũng cho rằng lần đầu tiên nhiệm vụ này nên được giao cho một nước Đông Âu, đặc biệt là khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến khu vực này trở nên quan trọng hơn đối với NATO.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, "còn quá sớm trong quá trình này để suy đoán xem Mỹ sẽ hỗ trợ ai".
Theo một nguồn thạo tin, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra ứng cử viên cho vị trí này và "cuộc tranh luận sôi nổi" giữa các trợ lý hàng đầu đang diễn ra.
Tổng Thư ký NATO bất ngờ tới Ukraine VTV.vn - Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm nay (20/4) đã có chuyến công du không báo trước tới Kiev, Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!