Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 18/12/2022 10:48 GMT+7

VTV.vn - Mỹ đang hành động mạnh tay hơn nữa nhằm ngăn chặn Trung Quốc có thể vượt lên đe dọa vị thế dẫn đầu về công nghệ mà Washington nắm giữ nhiều thập kỷ qua.

Trong tuần này, Trung Quốc công bố việc nộp khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip, gây ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Đáp trả, Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc vào "Danh sách thực thể" bị hạn chế nghiêm ngặt tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Mỹ. Những động thái này làm nóng lên cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp bán dẫn giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc

Ngày 12 tháng 12, Bộ Thương mại Trung Quốc nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ. Đây là sự đáp trả với những lệnh cấm được Washinton ban bố hồi tháng 10 nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc có được công nghệ chip cao cấp, thiết bị và thậm chí cả nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Mỹ.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Mỹ đã lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để cản trở thương mại quốc tế thông thường đối với chip và các sản phẩm khác, điều này sẽ làm biến dạng chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và làm gián đoạn thương mại quốc tế. Trong vài năm qua, Mỹ đã nhiều lần lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để cản trở hoạt động bình thường của thương mại quốc tế, vấp phải sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế".

Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 1.

Mỹ có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu hòa giải không thành công, phía Trung Quốc có thể yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm WTO và tiếp tục các bước tiếp theo. Có thể mất vài năm để vụ việc được giải quyết thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO.

Ngày 15/12, Bộ Thương mại Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc bao gồm các nhà sản xuất hàng đầu chip máy tính tiên tiến vào "Danh sách thực thể" bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Mỹ. Theo quy định, bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào cung cấp nguyên vật liệu hoặc dịch vụ cho các thực thể này phải được cấp phép trước khi vận chuyển hàng hóa. Như vậy, các công ty có tên trong "Danh sách thực thể" nói trên sẽ bị chặn mua chip hay bất cứ công nghệ nào từ các nhà cung cấp của nước này, trừ khi họ có giấy phép xuất khẩu đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ.

Ông Alan Estevez - Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ: "Hôm nay, chúng tôi đưa ra quyết định về việc hạn chế nghiêm ngặt khả năng của Trung Quốc trong việc tận dụng trí tuệ nhân tạo, siêu máy tính và các công nghệ mạnh mẽ sẵn có khác để hiện đại hóa quân đội"

Trước đó, ngày 14/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị của Chính phủ Mỹ, lý do đưa ra là vì an ninh quốc gia. Dự luật này sẽ phải chờ được Hạ viện chấp thuận trước khi Tổng thống Biden ký thành luật. Theo ước tính của phía Trung Quốc, đã có hơn 1.000 công ty Trung Quốc được thêm vào các danh sách kiểm soát và trừng phạt xuất khẩu của Mỹ.

Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, khi nước này cố chịu đựng sử dụng chip ít tiên tiến hơn của nội địa thì doanh số của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hơn 550 tỷ USD/năm cũng sẽ gặp khó vì Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất chip.

Dù nhiều nỗ lực nhưng công nghệ chất bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn nhiều lạc hậu so với Mỹ và đồng minh. SMIC và HuaHong cũng chiếm thị phần khá cao trong ngành nhưng vẫn kém xa so với đối thủ từ Đài Loan - Trung Quốc TSMC và Samsung Hàn Quốc. Trung Quốc sản xuất được chip 28nm. Nhiều đồn đoán SMIC tiến bộ nhất Trung Quốc nghiên cứu thành công chip 7nm trong khi đối thủ đã sản xuất được chip tiên tiến 3nm.

Theo tính toán Trung Quốc chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chip cho các ngành sản xuất. Nước này phấn đấu đảm bảo cung cấp 70% nhu cầu từ năm 2025. Hành trình nâng tính tự chủ chip theo nhiều chuyên gia là vấn đề rất khó, bởi nó không chỉ là yếu tố tiền. Khó có quốc gia nào đảm bảo được quá trình khép kín sản xuất chip từ đầu đến cuối.

Thách thức trong kiểm soát xuất khẩu chip

Một đánh giá của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, có ít nhất 50 mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm công cụ thiết kế, thiết bị và vật liệu sản xuất, đóng gói.

Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 3.

Mỹ thống trị thị trường máy móc thiết kế chip và nhiều loại trang thiết bị thiết yếu. Trong khi, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong sản xuất và phát triển các tư liệu sản xuất cơ bản như tấm nền silicon và chất cản quang. Còn châu Âu thì dẫn đầu về khí công nghiệp.

Bên cạnh các nhà cung cấp của Mỹ, hãng Tokyo Electron của Nhật Bản và ASML của Hà Lan cũng đang trở thành trọng tâm trong nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc. Đây là hai công ty gần như đang nắm độc quyền các công nghệ và thiết bị sản xuất chip tiên tiến hiện nay. Riêng ASML chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu và duy nhất chỉ công ty này- ASML của Hà Lan có thể cung cấp dòng máy quang khắc dùng tia Siêu cực tím (EUV).

Không có máy quang khắc này của ASML thì không thể sản xuất chip tiên tiến từ 7 nm trở xuống. Phía Mỹ đã nhiều lần kêu gọi ASML hạn chế hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng với ASML. Chỉ tính riêng năm 2021, doanh số bán hàng của ASML tại Trung Quốc trong năm 2021 đã vượt quá 2,7 tỷ USD.

Một vấn đề quan trọng khác là việc đóng gói chip được thực hiện hầu hết tại các cơ sở ở Trung Quốc. Các chuỗi sản xuất như vậy đã được hình thành trong nhiều năm dưới tác động của các yếu tố khách quan của thị trường và phân công lao động quốc tế. Việc chuyển giao đóng gói chip sang các nước thứ ba, được Intel ước tính là rất tốn kém và cần nhiều thời gian.

Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 4.

Những người khổng lồ tí hon - "vũ khí" của Trung Quốc

Xe ô tô tự lái của công ty Uisee, một công ty khởi nghiệp nhận danh hiệu "người khổng lồ tí hon’’ của Chính phủ Trung Quốc. Danh hiệu này được trao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và robot.

Ông Xu Zhaoyuan - Phòng Nghiên cứu Kinh tế và Công nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc: "Với những nỗ lực và đầu tư không ngừng, Trung Quốc đã có một nền tảng công nghiệp vững chắc cho sự phát triển kinh tế của mình, với niềm tin kinh doanh được nâng cao và cung cấp đủ động lực phát triển. Công nghiệp công nghệ cao trở thành lực lượng quan trọng dẫn dắt chuyển đổi, nâng cấp nền kinh tế và phát triển chất lượng cao".

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo động lực để Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ các chiến lược tự chủ công nghệ. Điểm yếu của Trung Quốc đã lộ ra khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa tập đoàn công nghệ Huawei và tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế SMIC vào "danh sách đen". Điều đó đã ngăn các công ty này mua các linh kiện của Mỹ như chip và phần mềm công nghiệp. Trong khi đó, những công ty công nghệ nhỏ, ít được chú ý, lại không ngừng bành trướng và ngày càng nhận nhiều ưu đãi trong chính sách. Các công ty này sẵn sàng trở thành "gã khổng lồ tí hon" trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 5.

Đây là thế hệ startup mới được chọn lựa bởi một chương trình đầy tham vọng của giới chức đại lục, với hy vọng chúng có thể trở thành ‘vũ khí mới’ giúp nước này cạnh tranh trực tiếp với các Big Tech của Thung lũng Silicon.

Ông Peter Elstrom - Nhà báo hãng tin Bloomberg: "Ở Trung Quốc, đặc biệt là trong năm qua, chính phủ đã tích cực hơn nhiều trong việc hướng dẫn nguồn tài nguyên đi đâu, nguồn tài chính và cả nguồn nhân lực. Và bây giờ Bắc Kinh đang hướng tiền và sự chú ý đến những công nghệ cốt lõi mà họ nghĩ là quan trọng vềmặt chiến lược đối với họ".

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chương trình "người khổng lồ tí hon" này trong hơn 10 năm qua. Chương trình này là trọng tâm trong chiến lược tham vọng nhằm xây dựng vị thế toàn cầu của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc đã mở rộng quy mô chương trình ra hàng nghìn doanh nghiệp, gần 9000 doanh nghiệp đã nhận danh hiệu ‘người khổng lồ tí hon’, đạt 90% mục tiêu tạo ra 10.000 ‘người khổng lồ tí hon’ vào năm 2025.

Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ làm gì để giảm phụ thuộc nước ngoài? Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ làm gì để giảm phụ thuộc nước ngoài?

VTV.vn - Từng khai sinh ra ngành công nghiệp chip của thế giới, giờ đây Mỹ lại là quốc gia phụ thuộc phần lớn vào lượng chip nhập khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước