Từ ngày 4/5, Italy triển khai giai đoạn 2 của tình trạng khẩn cấp, cho phép các nhà máy, tòa nhà văn phòng và công viên mở cửa trở lại. Người dân được di chuyển trong khu vực sinh sống. Tại Tây Ban Nha, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em được phép ra khỏi nhà.
Nauy cho phép học sinh tiểu học đến trường trở lại sau 1,5 tháng học trực tuyến từ nhà. Sĩ số tối đa cho mỗi lớp học là 15 em. Nhiều nước khác như Thụy Sĩ và cộng hòa Czech cũng công bố lộ trình nới lỏng gồm nhiều bước.
Riêng tại Đức, đầu tàu của khu vực, đề tài khi nào nới lỏng giãn cách và nới lỏng tới đâu vẫn là điểm tranh cãi lớn từ chính trị gia đến dư luận. Chủ tịch Hạ viện nước này ông Wolfgang Schauble cho rằng, các tổn thất về kinh tế và xã hội nên được đánh giá đúng mức và lưu tâm không kém những nỗ lực đối phó dịch.
Trong khi đó, quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhiều bang nước này đang tương đối vội vàng trong việc thu lại các giải pháp giãn cách. 40% giường bệnh chăm sóc đặc biệt tại Đức đang để trống. Đây là cơ sở để không ít quan điểm đối lập cho rằng Thủ tướng Merkel nên có cái nhìn linh hoạt hơn.
Một khảo sát mới cuối tuần trước tại Đức cho thấy, 3/4 người dân vẫn ủng hộ các quy định phong tỏa, nhưng xu hướng ủng hộ nới lỏng đã bắt đầu tăng dần. Tại Pháp, nơi có số ca tử vong cao thứ 3 châu Âu, dư luận vẫn tương đối thận trọng với kế hoạch nới lỏng phong tỏa từ ngày 11 tháng 5 của chính quyền tổng thống Macron. 43% người dân Pháp tin rằng vẫn nên áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!