Nội các Anh: Những gương mặt chưa từng có tiền lệ

An Ngọc-Thứ ba, ngày 13/09/2022 17:00 GMT+7

Thủ tướng Anh Liz Truss (trái, giữa) trong phiên họp đầu tiên của Nội các Anh. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Nhờ Thủ tướng Anh Liz Truss, Vương quốc Anh hiện có Nội các đa dạng nhất trong lịch sử.

Một Nội các đa dạng

Sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã dành phần lớn thời tập trung vào việc bổ nhiệm các thành viên mới trong chính phủ, đặc biệt là Nội các.

Bà đã dứt khoát lựa chọn một số đồng minh chính trị thân cận cho các vai trò cấp cao và bãi nhiệm các thành viên Đảng Bảo thủ, những người đã công khai ủng hộ đối thủ chính của bà trong cuộc đua lãnh đạo đảng: cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak.

Đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, không một vị trí nào trong số 4 vị trị đứng đầu Nội các, bao gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ, do một người đàn ông da trắng đảm nhiệm.

Dưới đây là danh sách các lựa chọn hàng đầu của Thủ tướng Truss cho các vị trí cấp cao.

Ông Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Tài chính

Nội các Anh: Những gương mặt chưa từng có tiền lệ - Ảnh 1.

Ông Kwasi Kwarteng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính Anh. (Ảnh: Reuters)

Ông Kwarteng, 47 tuổi, đảm nhận vai trò Bộ trưởng Tài chính của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, vào thời điểm ngân khố đất nước đối mặt với thách thức to lớn. Ông cũng là Bộ trưởng Tài chính da màu đầu tiên của Anh. Bố mẹ ông là người Ghana di cư đến Anh. Ông lớn lên ở London, theo học ngôi trường nội trú danh giá bậc nhất nước Anh, Eton College, sau đó là Đại học Cambridge. Ông đã viết một số cuốn sách cũng như làm việc với tư cách nhà phân tích ngân hàng tại Luân Đôn. Kwasi Kwarteng lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội vào năm 2010, khi Đảng Bảo thủ nắm quyền. Trước đó ông cũng từng làm việc tại Bộ Tài chính và là Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Vương quốc Anh.

Bà Suella Braverman, Bộ trưởng Nội vụ

Nội các Anh: Những gương mặt chưa từng có tiền lệ - Ảnh 2.

Bà Suella Braverman được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ Anh. (Ảnh: Reuters)

Bà Braverman, 42 tuổi, được đào tạo chuyên ngành luật. Bà từng giữ chức vụ Tổng chưởng lý của Anh trước khi được Thủ tướng Liz Truss giao cho vai trò mới: phụ trách 48 đơn vị lực lượng cảnh sát của đất nước, cũng như các cơ quan an ninh trong nước và tình báo quốc tế, thường được biết đến với tên gọi MI5 và MI6. Cha mẹ bà có nguồn gốc Ấn Độ, chuyển đến Vương quốc Anh vào những năm 1960. Bà lớn lên ở phía Tây Bắc London, theo học Đại học Cambridge và tiếp tục học luật tại Đại học Sorbonne, Paris trước khi vượt qua các kỳ thi luật sư ở New York. Bà là một người nổi tiếng cứng rắn về Brexit và vào cuối năm 2018 với tư cách là một bộ trưởng trong Bộ phụ trách tiến trình Brexit của Vương quốc Anh, bà rất không hài lòng với các điều khoản của một phiên bản thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May khi đó đã đề xuất, dẫn đến việc bà từ chức khỏi vai trò của mình trong chính phủ. Bà cũng tham gia vào cuộc tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ gần đây nhất để thay thế ông Boris Johnson, trước khi rút lui để ủng hộ bà Liz Truss, người chiến thắng cuối cùng.

Ông James Cleverly, Ngoại trưởng

Nội các Anh: Những gương mặt chưa từng có tiền lệ - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly (Ảnh: Reuters)

Ông Cleverly, 53 tuổi, có bố đến từ miền Tây nước Anh và mẹ đến từ Sierra Leone, nhưng lớn lên ở Đông Nam London. Ông theo học tại một trường tư thục, sau đó phục vụ trong lực lượng dự bị của quân đội Anh trong nhiều năm, lên đến cấp trung tá. Ông đã thu hút được sự chú ý trong giới Đảng Bảo thủ sau khi viết một nghiên cứu xem xét các phương pháp mà Đảng Bảo thủ có thể thực hiện để giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri da màu hơn. 

Trong thời gian ông Boris Johnson làm thị trưởng London, ông Cleverly làm việc dưới quyền Johnson trong vai trò giám sát các sở cứu hỏa của thành phố. Trong vài tháng, ông cũng chủ trì Đảng Bảo thủ trong nhiệm kỳ thủ tướng của Johnson, nhưng trong năm qua, ông làm việc trực tiếp nhiều hơn cho bà Truss tại Bộ Ngoại giao, nơi ông từng giữ một số vai trò cấp dưới trong ba năm. Có thời gian ngắn ông James Cleverly giữ chức Bộ trưởng Giáo dục của Vương quốc Anh sau khi hàng chục bộ trưởng từ chức vào đầu mùa hè này. Ông Cleverly là người chỉ trích công khai đối thủ tranh cử của bà Truss là ông Rishi Sunak, và từng kêu gọi đóng cửa hàng chục Viện Khổng Tử của Anh, nơi thúc đẩy văn hóa và học tập của Trung Quốc.

Ông Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng

Nội các Anh: Những gương mặt chưa từng có tiền lệ - Ảnh 4.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace. (Ảnh: Reuters)

Ông Ben Wallace, 52 tuổi, là một cựu quân nhân ít nói. Ông từng được nhiều đồng nghiệp yêu cầu xem xét tranh cử vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ sau khi ông Boris Johnson tuyên bố từ chức vào tháng 7. Tuy nhiên, Ben Wallace cho biết ông không quan tâm đến chức thủ tướng và sau đó duy trì thái độ trung lập trong suốt cuộc tranh cử. Ông là một trong 4 bộ trưởng vẫn giữ vai trò của mình trong quá trình chuyển đổi từ chính quyền Johnson sang Truss. Ông rất thích thể thao, đặc biệt là trượt tuyết từng làm huấn luyện viên trượt tuyết ở Áo và làm việc trong ngành hàng không vũ trụ trước khi trở thành một chính trị gia.

Bà Thérèse Coffey, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế

Nội các Anh: Những gương mặt chưa từng có tiền lệ - Ảnh 5.

Bà Thérèse Coffey, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Anh. (Ảnh: The Guardian)

Bà Thérèse Coffey, 50 tuổi, từng đảm nhiệm một số chức vụ cấp cao dưới nhiều đời thủ tướng giờ sẽ chính thức quản lý Bộ Y tế Quốc gia vốn đang chịu nhiều thách thức với làn sóng các nhân viên y tế nghỉ việc do không được đáp ứng về lương và điều kiện làm việc. Nhiệm vụ hàng đầu hiện tại của bà là đảm bảo tất cả mọi người dân đều có thể nhận được các cuộc hẹn khám chữa bệnh cũng như sử dụng các dịch vụ y tế công.

Bất bình đẳng trong chính trị Anh có còn tồn tại?

Không một quốc gia G7 nào có một nội các đa dạng như của Vương quốc Anh, và điều đó phản ánh sự gia tăng nhanh chóng số lượng chính trị gia dân tộc thiểu số bước vào hàng ngũ các chính trị gia hàng đầu của Anh trong thập kỷ qua. Nhưng các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể che lấp những bất bình đẳng phổ biến khác trong hệ thống chính trị của Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, ngay cả Nội các đa dạng về sắc tộc nhất trong lịch sử Vương quốc Anh cũng giống nhau một cách nổi bật về nền tảng giáo dục và giai cấp. Hơn 2/3 trong Nội các mới đã đi học tại các trường tư thục có thu phí, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Braverman, Ngoại trưởng Cleverly và Bộ trưởng Tài chính Kwarteng, so với chỉ 7% dân số Anh nói chung. "Nếu bạn nhìn vào thương hiệu Đảng Bảo thủ, nó vẫn được coi như bữa tiệc của những người giàu có," Giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary và là tác giả cuốn sách về Đảng Bảo thủ, Tim Bale, nhận định. Ông cảnh báo rằng điều đó có nguy cơ ngăn cản một thế hệ tham gia vào các cuộc bầu cử. "Những gì chúng ta đã thấy trong vài thập kỷ qua là sự biến mất gần như hoàn toàn của các nghị sĩ thuộc tầng lớp lao động trong Quốc hội… Khoảng 1/3 dân số không thực sự nhìn thấy bất kỳ ai có vẻ ngoài giống họ trong Quốc hội."

Nội các Anh: Những gương mặt chưa từng có tiền lệ - Ảnh 6.

Phiên họp đầu tiên của Nội các Anh hôm 7/9. (Ảnh: Reuters)

Những người chỉ trích lo ngại sự tiếp tục của một loạt chính sách gây chia rẽ của chính phủ Bảo thủ đối với người tị nạn, người xin tị nạn và các cộng đồng thiệt thòi, và một số người đã chỉ ra giai cấp và nền tảng giáo dục của Nội các mới như một biểu tượng của hố sâu chính trị rõ ràng nhất của Anh.

Theo Giáo sư Tim Bale, "Không thể phủ nhận sự đa dạng của Nội các mới, nhưng nó cũng cho thấy sự biến mất của những người thuộc tầng lớp lao động khỏi giới chính trị, và điều đó có những tác động mạnh mẽ về mặt chính sách và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu."

Năm 2002, Anh mới bổ nhiệm thành viên da màu đầu tiên trong nội các. Vì vậy, sự đa dạng trong Nội các của Thủ tướng Liz Truss phản ánh một sự thay đổi lớn trong nền chính trị Anh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy tình trạng phân biệt chủng tộc trong nước vẫn còn rất phổ biến. Về chính sách tương lai, Thủ tướng Liz Truss, Bộ trưởng Nội vụ Braverman và hầu hết Nội các đã cam kết ủng hộ một chương trình gây tranh cãi - do Bộ trưởng Nội vụ trước đây là Priti Patel đưa ra - sẽ khiến một số người xin tị nạn bị trục xuất về Rwanda. Chính phủ khẳng định chương trình này nhằm phá vỡ mạng lưới buôn người và ngăn cản những người di cư thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm qua eo biển Manche từ Pháp đến Anh. Nhưng các nhà quan sát cho rằng, nếu chính phủ mềm mỏng hơn đối với vấn đề di cư thì sẽ nhận được sự ủng hộ từ công chúng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước