Một phần trong số hơn 150 con cá voi sát thủ giả bị mắc cạn. (Ảnh: AP)
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tasmania, 157 con cá voi sát thủ giả đã được phát hiện vào chiều 18/2 trên một bãi biển gần sông Arthur, nằm ở bờ biển phía tây bắc của đảo Tasmania. Tuy nhiên, nỗ lực cứu hộ đã không thành công do sóng lớn khiến các con vật liên tục bị dạt vào bờ.
Bà Shelley Graham, chỉ huy cứu hộ, cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng di chuyển và giải cứu hai con cá voi nhưng không thành công do điều kiện đại dương không cho phép chúng vượt qua sóng. Các con vật liên tục bị đẩy trở lại bờ".
Nhà sinh vật biển Kris Carlyon cho biết những con cá voi còn sống sẽ phải được trợ tử để tránh kéo dài sự đau đớn. "Càng mắc cạn lâu, chúng càng phải chịu đau đớn. Mọi giải pháp thay thế đều không thành công", ông nói.
Ban đầu, các chuyên gia ghi nhận 136 con cá voi còn sống vào sáng 19/2, nhưng chỉ vài giờ sau, con số này giảm xuống còn 90 con.
Những con cá voi sát thủ giả được nhìn thấy bị mắc cạn trên một bãi biển gần Sông Arthur ở đảo Tasmania của Australia. (Ảnh: AP)
Việc tiếp cận bãi biển khó khăn, cộng với điều kiện sóng lớn và khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị chuyên dụng đến khu vực hẻo lánh này đã khiến công tác cứu hộ gặp trở ngại. Cá voi non nặng khoảng 500 kg, trong khi cá thể trưởng thành có thể lên tới 3 tấn. Dù mang tên "cá voi giả", loài này thực chất là một trong những thành viên lớn nhất của họ cá heo.
Ông Brendon Clark, đại diện cơ quan chức năng, cho biết đây là vụ mắc cạn cá voi giả đầu tiên ở Tasmania kể từ năm 1974, khi hơn 160 cá voi mắc cạn tại một bãi biển gần Stanley, phía tây bắc bang này. Tasmania thường chứng kiến các vụ mắc cạn của cá voi hoa tiêu hơn là cá voi sát thủ giả.
Nguyên nhân khiến đàn cá voi này mắc cạn vẫn chưa rõ ràng. Các chuyên gia sẽ tiến hành kiểm tra xác cá voi để tìm hiểu thêm.
Trước đó, vào năm 2022, 230 cá thể cá voi hoa tiêu đã mắc cạn tại cảng Macquarie, phía nam bờ tây Tasmania. Còn vào năm 2020, đây cũng là nơi xảy ra vụ mắc cạn lớn nhất trong lịch sử Australia khi 470 cá voi hoa tiêu vây dài bị mắc cạn trên các bãi cát. Hầu hết các cá thể trong cả hai sự kiện này đều không thể sống sót.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể liên quan đến sự mất phương hướng của đàn cá voi do tiếng ồn lớn, bệnh tật, tuổi già, chấn thương, chạy trốn kẻ săn mồi hoặc thời tiết khắc nghiệt....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!