Từ hôm nay (1/6) tới ngày 3/6, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 dự kiến sẽ diễn ra tại Singapore. Đây là một diễn đàn an ninh liên chính phủ thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đứng ra tổ chức, quy tụ sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, các quan chức hàng đầu và các tư lệnh quân đội từ 28 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Nhìn vào chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La năm nay, có thể thấy các vấn đề an ninh nóng tại khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố hay vấn đề Biển Đông tiếp tục là những chủ đề chính tại Đối thoại lần này.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Hội nghị cũng có một phiên họp đặc biệt về chủ đề an ninh tại Ấn Độ Dương với bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Có thể thấy, với 6 phiên họp toàn thể và 6 phiên họp hẹp song song, Đối thoại Shangri-La năm nay tiếp tục tập trung thảo luận về tất cả các thách thức đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay cũng như các giải pháp để đối phó, giải quyết các thách thức đó.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nội dung thu hút được sự quan tâm chú ý nhất tại Hội nghị lần này chính là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi mà gần đây, mặc dù có những dấu hiệu và nỗ lực hết sức tích cực từ tất cả các bên song vẫn tồn tại những yếu tố phức tạp và có thể gây bất ngờ.
Ông Graham Ong-Webb đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang cho rằng: "Tôi nghĩ rằng nội dung được thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị lần này chính là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bởi ngay tại Singapore này, sau đó 1 tuần, sẽ diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Các đại biểu có lẽ sẽ tập trung thảo luận về các nội dung và các thỏa thuận có thể đạt được sau cuộc gặp này bởi kết quả của cuộc gặp có thể là bước ngoặt tác động đến cấu trúc an ninh khu vực".
Một nội dung khác tiếp tục là chủ đề nóng của Hội nghị năm nay chính là vấn đề Biển Đông. Mặc dù thời gian gần đây, Trung Quốc và các nước ASEAN đã chính thức bắt đầu tiến hành đàm phán thực chất về Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhưng trên thực địa lại có những diễn biến mới phức tạp, khó lường. Chính vì thế, các đại biểu sẽ thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên, từ đó sớm có thể đạt được những bước tiến đáng kể trong đàm phán COC.
Ông Graham Ong-Webb phân tích thêm: "Nhìn vào chương trình nghị sự năm nay có thể thấy không có một phiên họp riêng biệt nào về vấn đề Biển Đông nhưng theo tôi, các đại biểu chắc chắn lại tiếp tục đề cập đến tình hình Biển Đông bởi vì vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến an ninh khu vực, nhất là các nước ASEAN. Hơn nữa, nó cũng có mối liên hệ chặt chẽ đến các các vấn đề khác khi mà các thách thức an ninh cần được nhìn nhận trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau".
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ có cơ hội thảo luận các nội dung liên quan tới chính sách và vai trò của Ấn Độ trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực cũng như quan hệ của nước này đối với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và các nước lớn khác.
Ngoài ra, vấn đề khủng bố cũng được quan tâm khi mà các vụ khủng bố diễn ra gần đây ở Indonesia cho thấy nguy cơ này ngày càng trở lên thực tế và hiện hữu hơn.
Mặc dù giới quan sát đang hướng đến Singapore với việc tập trung vào cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, có thể diễn ra vào ngày 12/6 tới nhưng không vì thế mà sức nóng và sự thu hút của Đối thoại Shangri-La 2018 lại giảm đi. Các vấn đề như Triều Tiên, Biển Đông sẽ tiếp tục bao trùm hội nghị.
Như vậy, Đối thoại Shangri-La sẽ tiếp tục đóng vai trò là một kênh đối thoại chính sách an ninh và quốc phòng có uy tín nhất tại châu Á- Thái Bình Dương. Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên năm 2002 tại Singapore, Đối thoại Shangri-La ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia trong và ngoài khu vực về các vấn đề an ninh nóng.
Phạm vi bàn luận và đối thoại chính sách cũng ngày càng được mở rộng, không còn bó hẹp ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn xa hơn, đáp ứng với những thách thức mới nhất về an ninh trên thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!