Những rạn nứt và bất đồng ở Trung Đông trong năm 2017

Thanh Ba (VTV8)-Thứ bảy, ngày 30/12/2017 14:49 GMT+7

Phiên họp Hội nghị Thượng đỉnh các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.

VTV.vn - Một loạt sự kiện diễn ra tại Trung Đông trong năm 2017 cho thấy mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nước trong khu vực đang ngày càng trở nên sâu sắc.

Tháng 6/2017, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và nhóm nước Arab vùng Vịnh bùng phát và kéo dài tới nay là minh chứng rõ nhất cho những rạn nứt và bất đồng sâu sắc ở Trung Đông. Không chỉ cắt đứt quan hệ ngoại giao, Bahrain, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE cùng quốc gia Bắc Phi Ai Cập còn siết chặt các biện pháp cô lập và trừng phạt hội đồng nhằm vào Qatar.

Tháng 8/2017, Qatar khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran sau hơn 1 năm xảy ra vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran. Động thái này hoàn toàn đi ngược lại với điều kiện mà các nước vùng Vịnh đặt ra với Qatar để dỡ bỏ cấm vận.

Tháng 10/2017, Bahrain kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Qatar trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC để buộc Doha chấp nhận 13 yêu sách mà những nước này đưa ra.

Ngày 5/12/2017, Hội nghị cấp cao thường niên lần thứ 38 của GCC đổ vỡ chỉ vài giờ sau khi khai mạc do một số nước GCC tiếp tục tẩy chay Qatar. Ngay trước hội nghị, UAE thông báo thành lập một liên minh đối tác mới với Saudi Arabia để chính thức hóa sự cô lập đối với Qatar. Đằng sau chiến dịch tẩy chay Qatar mà Saudi Arabia phát động chính là cuộc tranh giành ảnh hưởng và vị thế với Iran diễn ra trên khắp khu vực Trung Đông.

Ngày 4/11/2017, Thủ tướng Lebanon Hariri đột ngột tuyên bố từ chức để phản đối Iran kiểm soát Lebanon thông qua phong trào Hezbollah. Về phần mình, Qatar quy trách nhiệm cho Saudi Arabia can thiệp vào công việc nội bộ Lebanon và ném bom Yemen.

Ngày 19/11/2017, Liên đoàn Arab chỉ trích Iran và Hezbollah gây bất ổn khu vực sau khi Saudi Arabia cáo buộc Iran tấn công tên lửa đạn đạo vào sân bay Riyadh và xem hành động này như một lời tuyên chiến.

Iran và Saudi Arabia không chỉ đại diện cho hai cộng đồng Hồi giáo khác biệt, mà còn có những liên minh đối đầu nhau trên khắp Trung Đông, dẫn đến xung đột công khai tại Syria và Yemen; tranh giành vị thế áp đảo chính trị tại Iraq, hậu thuẫn cho các bên đối nghịch tại Bahrain và Qatar. Mặc dù ít có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp, song sự tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa hai cường quốc khu vực này đang trở thành ngòi nổ kích hoạt những mâu thuẫn và căng thẳng bạo lực ở Trung Đông.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước