Các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả đến từ khoảng 40 quốc gia trên thế giới sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia. Dự kiến sẽ có nhiều chủ đề làm nóng chương trình nghị sự của Shangri-La năm nay.
Xung đột Israel - Hamas
Đứng đầu trong chương trình nghị sự nhiều khả năng sẽ là cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra ở Dải Gaza và tác động lan tỏa có thể nhận thấy rõ ràng trên toàn thế giới. Liên hợp quốc, các tổ chức đa phương, các tổ chức khu vực trong đó có ASEAN đều lo ngại về xung đột leo thang tại Trung Đông và nguy cơ khủng hoảng nhân đạo khi hơn 1,7 triệu người ở Gaza phải di dời.
Những khác biệt trong quan điểm, lập trường của các bên về cuộc xung đột này và bế tắc trong việc đàm phán hướng đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và hoàn toàn, cũng là những chủ đề nóng sẽ được thảo luận trong Đối thoại Shangri-La 2024.
Xung đột Nga - Ukraine
Một chủ đề cấp bách khác sẽ là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, hiện đã kéo dài sang năm thứ 3 và chưa dấu hiệu kết thúc. Mối lo ngại lan rộng sau những gián đoạn thương mại do cuộc xung đột này gây ra, ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả trên thị trường thế giới. Kết hợp với xung đột Israel - Hamas, vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Theo giới phân tích, trước những hệ lụy khôn lường của xung đột đối với tình hình chính trị, an ninh, kinh tế của khu vực và thế giới, giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột sẽ được ưu tiên và bao trùm đối thoại lần này.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây gia tăng trong bối cảnh cả Seoul và Bình Nhưỡng tiến hành nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn. Triều Tiên những tháng qua cũng phóng thử nhiều loại tên lửa hành trình, rocket hạng nặng và vũ khí siêu vượt âm, tuyên bố đây là động thái nhằm nâng cấp năng lực phòng thủ. Hàn Quốc và Mỹ cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận cả trên không, trên bộ và trên biển gần ranh giới giữa hai miền Triều Tiên.
Các quốc gia tham gia đối thoại Shangri-La nhìn chung đều hy vọng duy trì phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và khởi động các cuộc đàm phán đa phương nhằm thúc đẩy hạ nhiệt quan hệ liên Triều cũng như quan hệ Mỹ - Triều Tiên.
Tình hình Biển Đông
Tình hình Biển Đông chắc chắn cũng sẽ là một chủ đề trong chương trình nghị sự của đối thoại sắp tới. Những diễn biến mới nhất trong khu vực cho thấy xu hướng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Dự kiến, Tổng thống Philippines Marcos Ferdinand sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc của đối thoại Shangri-La 2024. Đối thoại cũng sẽ được nghe ý kiến phát biểu của tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đề cập đến hiện trạng an ninh tại khu vực.
Triển vọng thu hẹp bất đồng thông qua hội đàm Mỹ - Trung Quốc
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân được cho là sự kiện thu hút chú ý nhiều nhất trong Shangri-La 2024.
Cuộc gặp đánh dấu sự nối lại đối thoại trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sau 2 năm gián đoạn. Đây là cơ hội để hai bên thảo luận thẳng thắn về các vấn đề an ninh quan trọng và xây dựng lòng tin. Qua cuộc gặp này, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác một số lĩnh vực tiềm năng, ví dụ như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu... Hợp tác trong những lĩnh vực này có thể giúp xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn của một cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung không được kiểm soát. Cuộc gặp có thể là cơ hội để hai bên thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin và giảm thiểu rủi ro xảy ra xung đột.
Về thách thức, hai bên vẫn còn nhiều nhiều bất đồng sâu sắc về các vấn đề an ninh, bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Biển Đông và nhân quyền… Việc thu hẹp những bất đồng này trong một thời gian ngắn là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nghi ngờ lẫn nhau. Điều này có thể khiến việc đạt được bất kỳ tiến bộ thực sự nào trong cuộc gặp trở nên khó khăn. Cùng với đó, cả hai chính phủ đều phải đối mặt với áp lực trong nước khi vẫn có những ý kiến phản đổi hợp tác. Điều này có thể hạn chế khả năng thỏa hiệp của đôi bên.
Cơ hội giải quyết những thách thức an ninh đối với ASEAN
ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh Mỹ - Trung, tình hình Biển Đông, thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh mạng, tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy… Đối thoại Shangri-La tạo ra nền tảng quan trọng để các nước ASEAN thảo luận về các thách thức an ninh với các đối tác quốc tế đồng thời tạo cơ hội để nâng cao nhận thức về các mối đe dọa an ninh đang nổi lên mà ASEAN phải đối mặt.
Đối thoại Shangri-La có thể được sử dụng để thúc đẩy các sáng kiến và giải pháp mới cho các thách thức an ninh của ASEAN. Các nước tham gia có thể chia sẻ kinh nghiệm và cách thức tốt nhất, cũng như hợp tác để phát triển các giải pháp phù hợp với khu vực.
Đối thoại Shangri-La còn là cơ hội để khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Trải qua 20 lần tổ chức, Đối thoại Shangri-La ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế. Sự kiện năm nay một lần nữa được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia khu vực, đồng thời thúc đẩy các cơ chế hợp tác an ninh đa phương vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng chung ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!