Những nỗ lực kiểm soát súng đạn mới ở Mỹ

Nguyễn Mai-Thứ sáu, ngày 19/03/2021 07:00 GMT+7

Hiện nay, nhiều bang ở Mỹ vẫn không có quy định chặt chẽ để kiểm soát việc buôn bán súng đạn (Ảnh: New York Times)

VTV.vn - Hạ viện Mỹ vừa thông qua 2 dự luật về kiểm soát súng. Vụ một nghi phạm gây ra 3 vụ xả súng tại thành phố Atlanta hôm 16/3 đã thu hút sự chú ý về nỗ lực lần này.

Cảnh sát cho biết, nghi phạm Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi, đã phủ nhận thực hiện hành vi phạm tội với động cơ phân biệt chủng tộc. Loạt vụ tấn công ngày 16/3 bắt đầu khi nghi phạm xả súng tại tiệm Young's Asian Massage ở Acworth, ngoại ô thành phố Atlanta, khiến 4 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Tiếp sau đó, nghi phạm tấn công 2 spa khác ở phía Đông Bắc thành phố Atlanta, khiến 4 người phụ nữ thiệt mạng.

Sự việc một lần nữa khiến người ta đặt câu hỏi: đến khi nào nước Mỹ thực sự kiểm soát được việc sử dụng súng đạn? Nhất là chỉ mới tuần trước, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát vừa thông qua 2 dự luật về siết chặt kiểm soát súng, một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất và từ lâu được cho là không có hồi kết tại quốc gia này.

Điểm mới trong 2 dự luật kiểm soát súng ở Mỹ

Những nỗ lực kiểm soát súng đạn mới ở Mỹ - Ảnh 1.

Theo hãng tin AP, cứ 100 người Mỹ thì số súng sở hữu là 120,5 khẩu (Ảnh: New York Times)

Dự luật đầu tiên trong số hai dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua sẽ trám lỗ hổng lâu nay bằng việc mở rộng kiểm tra lý lịch người mua vũ khí qua mạng tại các sự kiện trưng bày triển lãm hay trong một số giao dịch riêng tư.

Dự luật thứ hai được thông qua sẽ quy định nhà chức trách cần hoàn thành việc kiểm tra lý lịch liên bang đối với người mua trong 10 ngày, trước khi cấp phép cho việc mua bán súng. Điều này sẽ khiến cho việc xác minh nhân thân được chi tiết hơn trong trường hợp người mua sử dụng súng vào mục đích phạm pháp. Bởi trước đây, việc mua bán súng vẫn có thể tiến hành nếu chính phủ không thể hoàn thành quá trình kiểm tra lý lịch người mua trong 3 ngày.

Dù cả hai dự luật trên được Hạ viện thông qua với số phiếu chênh lệch không lớn, song phần nào đã mang lại những tín hiệu tích cực và niềm tin về một nước Mỹ an toàn hơn sau rất nhiều vụ xả súng đẫm máu trong những năm gần đây.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đã phát biểu rằng "Có hơn 90% người dân Mỹ ủng hộ việc kiểm tra lý lịch người sử dụng súng, bao gồm cả chủ sở hữu súng và người sử dụng súng thường xuyên như dùng cho việc đi săn. Tất cả đều phải kiểm tra lý lịch, tại sao lại có những người được miễn cơ chứ? Nếu bạn lo ngại ủng hộ dự luật này ảnh hưởng đến con đường chính trị của mình, thì xin hãy hiểu rằng không có điều gì quan trọng hơn tính mạng của con cái chúng ta. Hãy lo sợ nếu một ngày con bạn có súng và dùng chúng sai cách".

Việc Hạ viện Mỹ thông qua các dự luật kiểm soát súng trên cho thấy quyết tâm từ phe Dân chủ cũng như cam kết của Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử về việc tăng cường kiểm soát súng đạn. Kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn thường xuyên là chủ đề vận động cử tri trong suốt chiến dịch tranh cử không chỉ của ông Biden mà còn của nhiều ứng cử viên đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, nhất là những người theo quan điểm ôn hòa. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Tổng thống Biden là loại bỏ Đạo luật Bảo vệ thương mại vũ khí hợp pháp (PLCAA).

Quyết tâm này đã được ông khẳng định trong phát biểu khi tới hai bang New Hamshire và South Carolina gần đây. Trong khi đó, tháng 2 vừa qua, bà Susan Rice, Chủ tịch Hội đồng Chính sách nội địa và ông Cedric Richmond, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ, đã phối hợp với các nhóm phòng chống bạo lực súng đạn như Brady, Giffords, Everytown for Gun Safety và Moms Demand Action nhằm thảo luận về những chính sách cải cách liên quan mà đảng Dân chủ đang thúc đẩy tại quốc hội như tăng cường kiểm tra lý lịch của người sử dụng súng đạn.

Chuyện kiểm soát súng đạn ở Mỹ lần này sẽ đi được đến đâu?

Những nỗ lực kiểm soát súng đạn mới ở Mỹ - Ảnh 2.

Hiện trường vụ xả súng tại bang Georgia hôm 16/3 khiến 8 người thiệt mạng (Ảnh: Reuters)

Đảng Dân chủ từ lâu cho rằng cần có luật mới để kiềm chế bạo lực súng đạn tại Mỹ và đảm bảo súng không rơi vào tay những đối tượng nguy hiểm, cũng như ngăn chặn nhiều vụ trọng tội. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mike Thompson, người dẫn đầu cuộc vận động mở rộng kiểm soát súng đạn trong nhiều năm, cho biết trung bình mỗi ngày có 30 người thiệt mạng do bạo lực súng đạn ở Mỹ, con số này sẽ tăng lên 100 nếu tính cả các vụ tự sát và chết do tai nạn liên quan đến súng. Đáng chú ý, Giáo sư tâm lý Chris Ferguson thuộc Đại học Stetson ở bang Florida, cho rằng nguyên nhân chính của những vụ xả súng ở Mỹ là do việc sở hữu súng quá dễ dàng.

Tuy nhiên, để có thể chính thức trở thành đạo luật, chính quyền của ông Biden và phe Dân chủ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đặc biệt nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe Cộng hòa tại Thượng viện thời gian tới. Dù giành quyền kiểm soát Thượng viện, song phe Dân chủ vẫn cần sự ủng hộ tuyệt đối của 50 thành viên phe này cũng như ít nhất 10 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa để các dự luật trên chính thức trở thành luật.

Lâu nay, phe Cộng hòa, với quan điểm ủng hộ các giá trị về tư tưởng và lợi ích của các tập đoàn công nghiệp vũ khí, thường hậu thuẫn để đảm bảo các quyền sử dụng súng của người dân Mỹ. Việc ngăn chặn các nỗ lực của chính quyền mới cũng như của phe Dân chủ trong vấn đề siết chặt kiểm soát súng có thể giúp ngành công nghiệp vũ khí, vốn đóng vai trò không nhỏ tại Mỹ, tránh được nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi những người ủng hộ việc sử dụng vũ khí viện lý do đây là "bảo vệ các giá trị về tự do" thì các tập đoàn sản xuất vũ khí lại thu về nguồn lợi nhuận rất lớn, đồng thời luôn đưa ra các lý lẽ để bảo vệ sự tồn tại của hoạt động này.

Các chuyên gia cũng cho rằng kế hoạch kiểm soát súng của ông Biden sẽ làm tăng thêm thuế sở hữu súng cá nhân, khi những người sở hữu sẽ phải trả thêm tổng cộng 34 tỷ USD. Một thực tế chứng minh rằng doanh số bán súng đang gia tăng trên khắp nước Mỹ, với một phần nguyên nhân là do lo ngại Tổng thống Biden sẽ đẩy mạnh kiểm soát súng cũng như sự bất an liên quan đại dịch COVID-19 và làn sóng biểu tình phân biệt chủng tộc. Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA), nhà tài trợ chủ chốt của nhiều thượng nghị sĩ Mỹ, cũng từng tuyên bố sẽ chống lại mọi biện pháp kiểm soát súng đạn.

"Cơn đau đầu kinh niên" của nước Mỹ

Dư luận Mỹ từ lâu cũng bị chia rẽ sâu sắc về một trong những vấn đề được cho là "cơn đau đầu kinh niên" tại nước này. Dù việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ, song trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước Mỹ, kiểm soát súng luôn trở thành một vấn đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dựa trên các quan điểm khác nhau về giá trị tự do và bình đẳng, hai đảng hàng đầu của Mỹ thường thúc đẩy các chính sách đối ngược nhau về vấn đề này.

Đáng chú ý, quan điểm của người Mỹ về việc sử dụng súng hiện dường như còn chia rẽ hơn so với thời điểm trước đây khi ông Biden đề cập vấn đề này, khi kết quả một cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện tháng 11/2020 cho thấy tỷ lệ ủng hộ việc siết chặt hơn đạo luật sử dụng súng đang ở mức thấp nhất tại Mỹ kể từ năm 2016. Những người ủng hộ việc sử dụng súng thì luôn cho rằng "văn hóa súng đạn" đã ăn sâu vào xã hội Mỹ và trở thành một quyền bất khả xâm phạm ở quốc gia này. Giáo sư David Yamane thuộc Đại học Wake Forest từng nhận định đối với phần lớn người Mỹ, súng chính là một phần cuộc sống hằng ngày khi hầu hết người dân Mỹ đang hoặc đã sống trong ngôi nhà có vũ khí. Còn nhớ thời điểm trước khi tổng thống Joe Biden nhậm chức, người dân Mỹ đổ xô đi mua súng do lo ngại chính sách mới sẽ khiến việc mua súng khó khăn hơn. Theo hãng tin AP, cứ 100 người Mỹ thì số lượng súng sở hữu là 120,5 khẩu.

Các dự luật kiểm soát súng đạn từng bị "chết yểu" dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hiện cũng không dễ có cơ hội "sống lại" dưới chính quyền của ông Biden, dù rằng đảng Dân chủ đang giành quyền kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước