Những điểm nhấn nổi bật trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 12/03/2023 09:40 GMT+7

VTV.vn - Kỳ họp năm nay đặc biệt quan trọng với việc bầu và chính thức thông qua một loạt các chức danh quan trọng trong bộ máy lãnh đạo.

Những điểm nhấn nổi bật trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc

Tuần qua diễn ra sự kiện chính trị quốc tế nổi bật, Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc - tức Quốc hội Trung Quốc. Hai kỳ họp này thường được gọi chung là Lưỡng hội, một sự kiện lớn trong đời sống chính trị Trung Quốc, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước này và được thế giới quan tâm theo dõi đặc biệt.

Kỳ họp năm nay đặc biệt quan trọng với việc bầu và chính thức thông qua một loạt các chức danh quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Đây cũng là kỳ họp diễn ra vào năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rất nhiều nội dung liên quan đến quan điểm chính sách của Trung Quốc về các vấn đề quốc tế, hay tầm nhìn của nước này về các mục tiêu kinh tế, một cục diện mới cho nhiều vấn đề toàn cầu, đã được chú ý đặc biệt trong tuần qua.

Một số nội dung nổi bật tại kỳ họp

Với 100% số phiếu ủng hộ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Ông Lý Cường được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc, ông Triệu Lạc Tế được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa 14, ông Vương Hỗ Ninh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) lần thứ 14, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.

Về vấn đề kinh tế, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, mức tăng trưởng kỳ vọng thấp nhất từ trước tới nay.

Những điểm nhấn nổi bật trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc - Ảnh 2.

Các đại biểu tại Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Nhiệm kỳ 2013-2023 nói: "Nhiệm vụ duy trì sự ổn định việc làm là thách thức. Thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Rủi ro hoạt động của một số định chế tài chính vừa và nhỏ đã lộ diện, vẫn còn nhiều rào cản thể chế cản trở sự phát triển".

Trung Quốc sẽ tăng cường thu hút và tận dụng đầu tư nước ngoài, mở rộng việc tiếp cận thị trường, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, cải thiện các dịch vụ cho những công ty có tài chính nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án then chốt có nguồn tài chính nước ngoài. Trong năm 2023, Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 7,2%, tương đương hơn 1,5 nghìn tỷ tệ (khoảng 225 tỷ USD).

Về chính sách ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã công bố trọng tâm công tác đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2023. Theo đó, Trung Quốc sẽ lấy các hoạt động ngoại giao nguyên thủ làm chủ đạo. Khi được hỏi về tương lai quan hệ với Mỹ, ông Tần Cương cho biết, mối quan hệ này nên được xây dựng dựa trên các lợi ích và trách nhiệm chung của hai quốc gia.

Ông Tần Cương - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: "Nhận thức và quan điểm của Mỹ về Trung Quốc đang bị sai lệch nghiêm trọng. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính và là thách thức địa chính trị lớn nhất, điều này giống như chiếc cúc áo đầu tiên bị cài sai".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tần Cương nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Với châu Âu, Trung Quốc luôn xem châu Âu là đối tác chiến lược toàn diện và nỗ lực làm sâu sắc mối quan hệ này. Quan hệ Trung Quốc châu Âu là quan hệ độc lập, không bị bên thứ ba chi phối.

Những điểm nhấn nổi bật trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc - Ảnh 3.

Quan hệ Mỹ - Trung đầu năm nay trở nên xấu hơn với loạt tranh cãi mới xoay quanh lệnh cấm Tiktok và vấn đề Ukraine

Quan hệ Mỹ - Trung: Cạnh tranh nhưng tránh xung đột

Trong các thông điệp đối ngoại Trung Quốc đưa ra tuần qua tại chuỗi các sự kiện chính trị quan trọng, dư luận đặc biệt chú ý đến những ý kiến thể hiện quan điểm của Trung Quốc trong mối quan hệ cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ. Một thông điệp cứng rắn hơn là những gì được ghi nhận.

Kỳ họp lần này chứng kiến những tuyên bố mạnh mẽ được Trung Quốc đưa ra về mối quan hệ với Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã kìm hãm, bao vây Trung Quốc trên mọi phương diện, kéo theo những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của Trung Quốc. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương thì cảnh báo nguy cơ khủng hoảng, dù vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán.

"Nếu Mỹ không thay đổi quan điểm và tiếp tục theo đuổi đường lối hiện tại, sẽ không có hành lang an toàn nào có thể ngăn chặn được khủng hoảng", ông Tần Cương nhấn mạnh.

Phía Mỹ lập tức phản ứng với tuyên bố này ngay trong ngày. Ông John Kirby - Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ: "Chúng tôi tìm kiếm một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và hướng đến việc giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó, nhưng chúng tôi không tìm kiếm xung đột".

Vụ việc khí cầu Trung Quốc bị nghi là thiết bị giám sát bay qua bầu trời Mỹ đã phủ bóng đen mới lên mối quan hệ hai bên. Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh lập tức bị hoãn. Quan hệ Mỹ - Trung đầu năm nay trở nên xấu hơn với loạt tranh cãi mới xoay quanh lệnh cấm Tiktok và vấn đề Ukraine. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật, mở đường cho việc cấm Tiktok tại Mỹ. Trung Quốc phản ứng lại, cho rằng Washington đang mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty nước ngoài.

Những điểm nhấn nổi bật trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc - Ảnh 4.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Ông Ja Ian Chong - Giáo sư ngành khoa học chính trị, Đại học Quốc gia Singapore: "Câu hỏi đặt ra là lãnh đạo hai bên sẵn sàng chịu đựng sự leo thang ở mức độ nào. Và họ tự tin đến mức nào vào việc leo thang sẽ không vượt khỏi tầm kiểm soát".

Loạt biến cố gần đây trong quan hệ Mỹ - Trung đã cho thấy thách thức to lớn để kiềm chế căng thẳng. Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được phát động từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hai bên cũng mở rộng ảnh hưởng, cạnh tranh mang tính chiến lược ở phạm vi toàn cầu.

Trung Quốc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Một trong những nội dung cũng được thảo luận rất nhiều tuần qua là mục tiêu tăng trưởng 5% đề ra của Trung Quốc trong năm 2023. Đây là mức mục tiêu thấp nhất trong hàng chục năm qua, đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang bắt tay vào khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một con số khiêm tốn và khôn ngoan và kể cả với 5%, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, giữa tình hình kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm nay và các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn với nguy cơ suy thoái.

Bắc Kinh điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" trong năm nay. Ngân hàng Thế giới đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc là một con số thực tế.

Những điểm nhấn nổi bật trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc - Ảnh 5.

Bà Mara Warwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc: "Trong ba năm qua, các hộ gia đình ở Trung Quốc đã tiết kiệm đáng kể và số tiền này hiện có thể được sử dụng cho mục đích tiêu dùng. Chúng tôi cũng kỳ vọng đầu tư kinh doanh sẽ được cải thiện vì tâm lý kinh doanh cũng được cải thiện. Báo cáo của Chính phủ ghi nhận môi trường đầy thách thức này và đã đặt mục tiêu thực tế là tăng trưởng 5% cho năm nay".

Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, Trung Quốc sẽ đóng góp 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Ông Steven Alan Barnett - Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Trung Quốc: "Sự phục hồi của Trung Quốc thực sự sẽ hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi ước tính rằng cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giúp các nền kinh tế khác tăng trưởng trung bình cao hơn 0,3 điểm phần trăm".

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá 5% là mục tiêu khiêm tốn và khôn ngoan. Khiêm tốn là vì trong hai tháng đầu năm, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi khá mạnh mẽ cả về khía cạnh tiêu dùng cũng như sản xuất. Do đó, mức tăng trưởng 5% dường như có thể đạt được tương đối dễ dàng. Nhưng cũng là khôn ngoan là vì một mục tiêu không quá cao có nghĩa là chính phủ không cần phải kích thích nhiều nền kinh tế, từ đó có thể tập trung vào cải cách cơ cấu, giảm thiểu một số rủi ro đã và đang tích tụ trong nền kinh tế về nợ công, về chính sách tài khóa.

Trước đó, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service đã nâng dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc lên 5% cho cả năm 2023 và 2024 so với dự báo trước đó là 4%, với lý do phục hồi "mạnh hơn dự kiến" trong ngắn hạn.

Hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm được tập trung tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 14 Hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm được tập trung tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 14

VTV.vn - Sáng 5/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh sẽ diễn ra kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 14 (Nhân Đại - tức Quốc hội Trung Quốc khóa 14).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước