Giải thưởng Nobel thuộc lĩnh vực Y học là một giải thưởng được trao hàng năm cho những cá nhân có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực này. Đây là một trong năm giải thưởng Nobel do nhà hóa học Thụy Điển Alfred Nobel, người đã phát minh ra thuốc nổ, thành lập từ năm 1895.
Dưới đây là những chủ nhân nhận giải Nobel có những đóng góp nổi bật và có tầm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nền Y học trên thế giới:
Emil Adolf von Behring
Emil Adolf von Behring là nhà vật lý và hóa học người Đức. Vào năm 1901, ông đã vinh dự nhận giải thưởng Nobel Y học đầu tiên sau khi nghiên cứu liệu pháp huyết thanh chống bệnh bạch hầu và bệnh uốn ván. Đặc biệt, với việc phát minh thành công huyết thanh chống căn bệnh bạch hầu, Emil đã giúp mở đường cho lĩnh vực y học nhằm chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
Ivan Pavlov
Được mệnh danh là nhà sinh lý học bậc nhất thế giới, Ivan Pavlov đã dành cả cuộc đời mình cho khoa học và để lại nhiều công trình lớn cho xã hội, nổi bật hơn cả chính là nghiên cứu về hệ tiêu hóa. Năm 1904, Ivan Pavlov nhận giải thưởng Nobel Y học nhờ công trình nghiên cứu này.
Pavlov nghiên cứu chức năng dạ dày của loài chó bằng cách quan sát sự tiết dịch vị của chúng, sau đó ông phân tích dịch vị của chó và phản xạ của chúng dưới các điều kiện khác nhau. Sau thời gian quan sát, nhà sinh lý học nhận ra rằng loài chó sẽ tiết dịch vị khi thấy sự xuất hiện của thức ăn. Sau này, Pavlov đã xây dựng một định luật cơ bản dựa trên các thí nghiệm mà ông tiến hành trước đó, định luật này mang tên "phản xạ có điều kiện".
Emil Theodor Kocher
Nhà nghiên cứu y học người Thụy Sĩ Emil Theodor Kocher giành giải thưởng danh giá Nobel vào năm 1909 cho nghiên cứu về giải phẫu tuyến giáp. Công trình nghiên cứu này là chìa khóa giúp con người nhận thức về vai trò của sự chuyển hóa tuyến giáp. Mặc dù các ý tưởng của ông và nghiên cứu tuyến giáp của ông đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận việc ông có thể chữa thành công bệnh bướu giáp - một cặn bệnh nan y thời bấy giờ - là một bước tiến quan trọng đáng được công nhận.
Ngoài lĩnh vực chuyên môn này, ông còn để lại nhiều tác phẩm về các đề tài y học khác, nổi bật nhất là các tác phẩm về việc cầm máu và cách điều trị nhiễm trùng do phẫu thuật hoặc do trúng đạn.
Willem Einthoven
Willem Einthoven là một bác sĩ y khoa và nhà sinh lý học người Hà Lan. Ông đã phát minh ra điện tâm đồ năm 1903 và nhận được giải Nobel Y học năm 1924 cho phát minh này.
Trước thời Einthoven, mặc dù con người đã biết nhịp đập của trái tim tạo ra các dòng điện, tuy nhiên các dụng cụ thời đó không thể đo chính xác hiện tượng này nếu không đặt các điện cực vào thẳng trái tim. Thiết bị do ông phát minh đã giúp làm tăng độ nhạy của điện kế nhằm đo hoạt động điện của trái tim mà không cần phải đưa thẳng vào tim.
Alexander Fleming
Alexander Fleming là một bác sĩ, nhà sinh học và đồng thời là một nhà dược lý học người Scotland. Có thể nói, ông là người đầu tiên mở ra kỉ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học. Với việc tìm ra loại kháng sinh đầu tiên mang tên penicillin, ông cùng với Ernst Boris Chain và Howard Florey đã được trao giải thưởng Nobel Y học vào năm 1945. Đây là loại kháng sinh được dùng nhằm điều trị những bệnh liên quan đến nhiễm trùng.
Barbara McClintock
Là một nhà khoa học và di truyền học người Mỹ, Barbara McClintock đã được nhận giải Nobel vào năm 1983 với nghiên cứu tác nhân di truyền. Nghiên cứu này đã bác bỏ ý kiến gen là những thực thể cố định được sắp xếp trên nhiễm sắc thể.
Cho đến nay, bà là người phụ nữ độc lập duy nhất được nhận giải thưởng danh giá này. Sau bà, một số nhà khoa học nữ cũng được vinh danh ở giải thưởng này khi hợp tác cùng các nhà khoa học khác.
Joseph E. Murray
Joseph E. Murray được trao giải Nobel Y học năm 1990. Ông là bác sĩ đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công ca ghép thận. Có thể nói, thành công lớn nhất trong sự nghiệp của ông là việc cấy ghép thận cho một người thuộc cặp sinh đôi đồng trứng. Ngay sau ca ghép này, ông đã chứng minh rằng phương pháp cấy ghép thận cũng có thể được thực hiện giữa các cá thể không hoàn toàn đồng nhất về gen.