Sự khác biệt lớn nhất giữa tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản và các nước khác trên thế giới đó là các nhà chức trách ở Nhật Bản hầu như không có quyền áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Tại các khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp, người đứng đầu các tỉnh thành có thể yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài đường, trừ một số trường hợp ngoại lệ như đi khám bệnh, mua lương thực, nhu yếu phẩm. Hạn chế sử dụng hoặc tạm thời đóng cửa các cơ sở tập trung đông người như trường học, nhà dưỡng lão, rạp chiếu phim... Tuy nhiên, những hạn chế này đều không có chế tài xử phạt.
Chính quyền các địa phương có thể thực hiện một số biện pháp mang tính cưỡng chế. Cụ thể, nếu các bệnh viện quá tải, những người đứng đầu các tỉnh, thành có thể sung công đất tư nhân hoặc các tòa nhà trong một số trường hợp nhất định để xây dựng các cơ sở y tế tạm thời mà không cần sự chấp thuận của chủ sở hữu.
Họ cũng có thể yêu cầu các công ty lương thực và vật tư y tế bán sản phẩm cho chính quyền và trưng thu hàng hóa của những công ty từ chối thực hiện yêu cầu đó, đồng thời buộc các công ty phải giúp vận chuyển các hàng hóa khẩn cấp. Nếu các nhà cung ứng vật tư y tế không tuân thủ chỉ thị bán các sản phẩm như vậy, họ có thể bị phạt tù tới 6 tháng hoặc phạt tiền tới 300.000 yen (khoảng 2.800 USD).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!