Những con số biết nói về thiệt hại khủng khiếp sau 100 ngày xung đột Israel - Hamas

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 16/01/2024 07:09 GMT+7

VTV.vn - Ngày 15/1 đánh dấu tròn 100 ngày kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.

Hơn 3 tháng giao tranh đã khiến trên 25.000 người của cả hai phía thiệt mạng, hàng triệu người tại Dải Gaza lâm vào cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

100 ngày sau các trận oanh tạc dữ dội nhất thế giới từng chứng kiến kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những con số thống kê cho thấy mức độ thiệt hại khủng khiếp tại Dải Gaza. Gần 24.000 người Palestine thiệt mạng, chiếm khoảng 1% dân số Dải Gaza. 359.000 ngôi nhà (tương đương 60%) bị hư hại hoặc phá hủy.

Hơn 80% trong số 2,3 triệu người dân ở Gaza mất nhà cửa, phải đi di tản triền miên từ khu vực này tới khu vực khác. Khoảng 25% dân số Gaza đang bị đói. Chỉ 15 trong số 36 bệnh viện tại vùng đất này còn hoạt động một phần.

Kể cả khi cuộc chiến dừng lại vào lúc này, Dải Gaza cũng không tránh khỏi một cơn đại dịch y tế, khi trung bình 220 người ở Gaza chia sẻ một nhà vệ sinh. Trong 1 năm tới, tỷ lệ tử vong tại Gaza sẽ lớn hơn thời điểm dữ dội nhất của cuộc chiến.

Phía Israel đã đưa ra thông tin về việc đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn miền Bắc Gaza từ tay Hamas và cuộc chiến đang chuyển sang một giai đoạn mới bớt căng thẳng hơn với ít quân tham dự hơn, ném bom ít hơn và tấn công có chọn lọc hơn. Tuy nhiên, con số thương vong những ngày gần đây do cả hai phía công bố phản ánh thực tế là sau 100 ngày, chiến tranh vẫn khốc liệt như ngày đầu và Hamas vẫn chưa đầu hàng.

Những con số biết nói về thiệt hại khủng khiếp sau 100 ngày xung đột Israel - Hamas - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Đáng quan ngại hơn, cuộc xung đột Israel - Hamas đã và đang gây ra những hệ lụy nguy hiểm về an ninh với toàn khu vực Trung Đông.

Chỉ một ngày sau khi Israel phát động chiến dịch không kích vào Gaza, hôm 8/10/2023, lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã nã pháo vào trang trại Shebaa do Israel kiểm soát nhằm "chia lửa" với người Palestine ở Dải Gaza, chính thức khơi mào cho đợt giao tranh ác liệt qua biên giới kéo dài gần 100 ngày qua giữa Hezbollah và quân đội Israel.

Một hệ lụy nguy hiểm khác từ cuộc chiến tại Dải Gaza là khiến cho bất ổn gia tăng nghiêm trọng tại khu vực Biển Đỏ. Một mặt trận đối đầu quân sự mới đã chính thức mở ra tại đây giữa nhóm vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Yemen là Houthi và liên quân của Mỹ cùng các đồng minh. Houthi công khai tuyên bố rằng các cuộc tấn công của mình nhằm mục tiêu gây sức ép buộc Israel phải ngừng chiến dịch ở Dải Gaza.

Bên cạnh hai điểm nóng trên, chiến sự tại Gaza còn làm bùng phát vòng xoáy bạo lực nghiêm trọng tại khu Bờ Tây khiến hàng nghìn người Palestine thương vong, đồng thời kéo theo làn sóng tấn công vũ trang với tần suất chưa từng có nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.

Ngoài tác động trực tiếp tới an ninh khu vực trên thực địa, cuộc xung đột Israel - Hamas còn khiến nhiều mối quan hệ bang giao quốc tế rơi vào tình trạng khủng hoảng. Hamas bị nhiều nước trên thế giới lên án vì đã phát động chiến tranh, nhưng Israel cũng bị nhiều quốc gia trên thế giới phê phán nặng nề về cách thức tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza.

Những con số biết nói về thiệt hại khủng khiếp sau 100 ngày xung đột Israel - Hamas - Ảnh 2.

(Ảnh: AFP)

Mặc dù vậy, Israel vẫn tuyên bố sẽ không dừng lại cho đến khi phi quân sự hóa Dải Gaza và không ai có thể ngăn cản nước này đạt được mục tiêu của mình. Israel tuyên bố tiếp tục cuộc chiến trong năm nay và sau đó sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở Gaza, có lẽ trong nhiều năm tới. Họ nói rằng Hamas sẽ không có vai trò gì ở Dải Gaza trong tương lai.

Mỹ và cộng đồng quốc tế lại đưa ra quan điểm rất khác. Họ không muốn sự hiện diện của Hamas ở Gaza nhưng lại ủng hộ sự trở lại của chính quyền Palestine. Có thể thấy các bên chưa đạt được đồng thuận ở những vấn đề cơ bản nhất.

Theo nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế, dù vẫn chưa đi đến hồi kết nhưng với những tác động và hệ lụy gây ra trong 100 ngày qua, cùng với sự chia rẽ quan điểm sâu sắc giữa các bên quốc tế, xung đột Israel - Hamas đã và đang khiến cho cục diện an ninh - địa chính trị tại khu vực Trung Đông ngày càng trở nên rối ren, phức tạp, bất định và khó lường hơn trong thời gian tới.

Liên minh châu Âu (EU) đã mời ngoại trưởng các quốc gia Arab và Israel cùng người đứng đầu Liên đoàn Arab tới Brussels (Bỉ) để tham gia các cuộc thảo luận về Dải Gaza bên lề cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU dự kiến diễn ra vào ngày 22/1. Việc trao đổi quan điểm giữa các Bộ trưởng châu Âu và những người đồng cấp từ các quốc gia trong khu vực được kỳ vọng sẽ đóng góp cho nỗ lực đạt được hòa bình ở Trung Đông.

Ngoại trưởng Mỹ BLinkSelecteden hội đàm với quan chức Chính phủ Jordan thảo luận về Dải Gaza Ngoại trưởng Mỹ BLinkSelecteden hội đàm với quan chức Chính phủ Jordan thảo luận về Dải Gaza Liên hợp quốc: Giao tranh ở Gaza phải chấm dứt Liên hợp quốc: Giao tranh ở Gaza phải chấm dứt Gia tăng căng thẳng Israel - Hezbollah Gia tăng căng thẳng Israel - Hezbollah

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước