Kinh tế toàn cầu dần quay trở lại đường ray sau khoảng 2 năm trật nhịp do COVID-19, điều chỉnh các hoạt động theo hướng sống chung an toàn với dịch. Bình thường mới đến với đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch dần khôi phục.
Mọi thứ tưởng chừng sẽ rất nhịp nhàng, cho tới khi có thêm biến số mới xuất hiện. Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, buộc nước này phải siết thêm các biện pháp phòng dịch. Chiến sự tiếp diễn tại Đông Âu.
Những biến số mới mang theo những lo ngại mới, ảnh hưởng đến việc khôi phục chuỗi cung ứng và rộng hơn là tình hình kinh tế toàn cầu.
Chuỗi cung ứng phục hồi song còn nhiều thác thức
Theo báo cáo, tăng trưởng GDP tháng 1/2022 của Anh tăng 0,8 điểm phần trăm so với 1 tháng trước đó, doanh số bán lẻ tăng 1,9%, động lực từ việc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh.
Ở quy mô toàn cầu, các hoạt động sản xuất được mở rộng, vận tải hàng hóa xuyên quốc gia được khai thông khi nhiều nước dỡ bỏ dần hạn chế từ nửa cuối năm trước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)
"Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng được dự đoán nhiều đã không xảy ra. Hàng hóa đang được chuyển, các kệ hàng không trống rỗng... Chúng tôi hiện đang vận chuyển một lượng hàng hóa lịch sử. Các cảng biển ở Los Angeles và Long Beach đã giảm một nửa số container bị tồn" - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Du lịch toàn cầu ghi nhận các dấu hiệu tích cực trong khi lĩnh vực công nghệ cũng chứng kiến sự phục hồi. Thị trường lao động cũng tiến triển. Số lao động tại Mexico đã vượt mức trước đại dịch, đạt 21 triệu người vào tháng 2. Con số này tại Hàn Quốc là 1,1 triệu người, cao nhất trong 22 năm qua. Tại Mỹ, số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm.
Chủ tịch Hội đồng thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell (Ảnh: AP)
"Tổng cầu hiện đang rất mạnh và hầu hết các nhà dự báo đều cho rằng nó sẽ duy trì như vậy. Nếu bạn nhìn vào thị trường lao động cũng rất mạnh, tăng trưởng việc làm đang tiếp tục ở mức rất cao" - Chủ tịch Hội đồng thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết.
Tuy nhiên, tình hình dịch phức tạp tại một số nước do biến thể Omicron, như tại châu Âu, Trung Quốc, khiến sự phục hồi bị giảm tốc. Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển của Trung Quốc có nguy cơ gây ra một loạt cú sốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: AP)
"Tình hình kinh tế có tiến triển nhưng với sự lạc quan lẫn lộn. Chúng tôi đã phải giảm dự báo tăng trưởng GDP 2022 từ 4,1% xuống 3,6%. Điều này cho thấy thực tế là đại dịch đã khiến kinh tế bị kìm hãm trong thời gian dài, với các biến thể mới" - Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định.
Cùng với đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã phủ bóng lên triển vọng phục hồi chuỗi cung ứng. Các biện pháp trừng phạt qua lại lẫn nhau, các diễn biến trên thực địa đã khiến giá dầu thế giới liên tục tăng cao, đạt mốc kỷ lục 139 USD/thùng vào ngày 7/3. Giá hàng hóa, chi phí vận tải tăng chóng mặt do gián đoạn hàng không cũng tạo sức ép lớn đến chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng: "Cuộc xung đột tại Ukraine có tác động lớn về kinh tế. Những tác động về giá năng lượng và hàng hóa là có thể thấy rõ. Trong khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu được cho là sẽ rất đáng kể".
Ông Jakob Kern - Điều phối viên khẩn cấp cho khủng hoảng Ukraine của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) - cho biết: "Chuỗi cung ứng thực phẩm đã bị tan rã. Giá lương thực toàn cầu ở mức cao nhất mọi thời đại. Hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine đang lan tỏa ra bên ngoài, gây ra làn sóng đói nghèo trên toàn cầu".
Theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều bất ổn đối với sự phục hồi của chuỗi cung ứng. Trong khi đó, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài cũng đe dọa phá vỡ đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc phong tỏa nhanh nhằm giảm thiệt hại kinh tế
Gần đây, Trung Quốc liên tiếp phong tỏa nhiều địa phương trọng điểm của nền kinh tế khiến cho nhiều nước trên thế giới lo lắng về nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa. Hàng đợi của các tàu container bên ngoài các cảng lớn của Trung Quốc đang kéo dài hơn từng ngày khi COVID-19 bùng phát ở các trung tâm sản xuất xuất khẩu, đe dọa mở ra một làn sóng chấn động tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng thực tế gần đây, chủ trương phong tỏa quyết liệt, mở cửa nhanh đang cho hiệu quả.
Thâm Quyến, thành phố công nghệ trọng điểm và đầu mối xuất khẩu hàng hóa hàng đầu Trung Quốc đi các nước, vừa dỡ bỏ phong tỏa 4 quận và 1 đặc khu kinh tế khi không còn ca dương tính chỉ sau 5 ngày phong tỏa mạnh để xét nghiệm đại trà và ngăn nguồn lây.
Thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Giao thông công cộng, cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp được sản xuất trở lại. Đây là tin vui bởi nơi đây đặt trụ sở của các tập đoàn khổng lồ như Intel, Volkswagen, Toyota, Huawei, Alibaba, Foxconn, các nhà máy chuyên gia công hàng cho Apple... Cảng Diêm Điền, cảng lớn thứ 3 thế giới, tại Thâm Quyến đã gỡ bớt hạn chế khi dịch được kiểm soát. Thành phố 17, 5 triệu dân Thâm Quyến đặt mục tiêu phong tỏa 7 ngày.
Nhiều tỉnh thành khác cũng đặt mục tiêu phong tỏa 1 tuần. Đợt phong tỏa này là tại nhiều trung tâm kinh tế lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Giang Tô… Các hoạt động logistic, vận chuyển hàng hóa khó tránh khỏi bị ùn ứ tại nhiều cảng lớn như Chu Sơn, Cảng Thanh Đảo…vì kéo dài, chi phí tăng.
Một số tập đoàn sản xuất lớn còn chủ động tìm giải pháp quản lý sản xuất khép kín, yêu cầu công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy và xét nghiệm COVID-19 hàng ngày. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này tốn kém và không dễ.
Một số tổ chức quốc tế hạ mức tăng trưởng GDP 2022 của nước này và cho rằng, chỉ có nới lỏng chính sách chống dịch mới giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Hiện nay, dù đã có một số nới lỏng trong quản lý và điều trị COVID-19 nhưng nước này vẫn kiên trì theo đuổi chính sách Zero COVID.
Chiến sự tại Ukraine tác động tới thương mại toàn cầu
Trước hết phải kể tới cú sốc mang tên "giá khí đốt, giá năng lượng" đang làm gia tăng lạm phát và gia tăng các hóa đơn điện nước. Hệ quả là các hộ gia đình lại phải thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ toàn cầu.
Cuộc chiến tại Ukraine đang làm tăng thêm áp lực lạm phát và gián đoạn vốn do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra. Tác động tiêu cực đáng kể đến niềm tin sẽ làm giảm tiêu dùng cá nhân và các quyết định đầu tư kinh doanh. Tác động ngày càng tăng đối với nguồn cung cấp hàng hóa và năng lượng cũng như sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế và thị trường tài chính.
Sự gián đoạn trong hoạt động logistics, tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng cao đã góp phần gây ra sự thiếu hụt nguồn cung và chi phí vận chuyển tăng theo chiều xoắn ốc.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng khi Nga và Ukraine dẫn đầu về sản xuất nhiều loại kim loại như nickel, đồng và sắt; xuất khẩu và sản xuất các nguyên liệu thô thiết yếu khác như neon, titan, palladium và bạch kim - tất cả đều là thành phần quan trọng cho sản xuất vi mạch điện tử và ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Tác động gián đoạn nguồn cung thực phẩm cũng không thể tránh khỏi khi Nga và Ukraine cùng chiếm hơn 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì, 19% xuất khẩu ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu, riêng Ukraine chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu dầu hướng dương.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baebock (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baebock cho rằng: "Sẽ có sự thiếu hụt nguồn cung lớn và sẽ rất trầm trọng vì Ukraine không còn có thể cung cấp ngũ cốc và các sản phẩm khác cho các quốc gia như ở châu Phi. Thực tế là mọi người sẽ bị đe dọa bởi nạn đói nhiều hơn và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột mới".
Việc ngắt kết nối các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT không chỉ ngăn chặn hoạt động thương mại của Nga mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới đang có mối quan hệ kinh tế với Nga.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine gây tác động tiêu cực đối với kinh tế thế giới trong bối cảnh thương mại toàn cầu vừa mới phục hồi sau đại dịch.
Cơ hội mở ra cho các quốc gia châu Á
Dịch COVID-19 và các căng thẳng địa chính trị đang được đánh giá có thể định hình lại cục diện chính trị và kinh tế thế giới, trong đó mở ra những cơ hội to lớn ở khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Chính sự kết nối từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang giúp các nền kinh tế ở khu vực này gắn gó chặt chẽ trước những biến động và thách thức chung.
Theo ông Francis Lun - Giám đốc công ty chứng khoán Geo Hong Kong (Trung Quốc), châu Á sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến ở châu Âu nhưng có thể sẽ bị tác động bởi hiệu ứng gợn sóng, đặc biệt là đối với khí đốt tự nhiên.
Bà Emily Erxleben - Trưởng phòng phát triển kinh doanh quốc tế DIT Duisburg Intermodal Terminal - cho rằng: "Đối mặt với những cú sốc của đại dịch, nhiều chuỗi cung ứng hậu cần đã bị gián đoạn và các khách hàng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Các chuyền tàu hỏa chở hàng nối châu Âu với châu Á đã trở thành một lựa chọn phổ biến, với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ hàng hóa".
Bà Gao Yan - Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc nhận định: "Thị trường đa dạng trong khuôn khổ hiệp định RCEP sẽ giúp khối khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa các nước thành viên trong các lĩnh vực khác nhau để giảm bớt áp lực từ sự mất cân bằng chuỗi cung ứng và đại dịch".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Bộ Công Thương)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "Tập trung hỗ trợ để các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội mà Việt Nam đang là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Tranh thủ trong bối cảnh khan hàng trên phạm vi toàn cầu trong khi những mặt hàng Việt Nam có lợi thế để chúng ta đưa vào thị trường các nước. Duy trì thường xuyên mối quan hệ với các cơ quan ngoại giao ở Việt Nam cũng như các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để nắm được diễn biến tình hình xảy ra ở các khu vực, châu lục để chúng ta có những phản ứng phù hợp".
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí tìm kiếm các phương thức nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong khu vực, qua đó thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau COVID-19. Hành động nhanh chóng để đối phó với những thách thức hiện nay thông qua tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do của ASEAN. Thách thức là có nhưng thích ứng cũng là kinh nghiệm có được sau 2 năm chống dịch nhiều khó khăn. Các biến số dù có nhưng khi thích ứng linh hoạt, biến số cũng có thể chỉ trong giới hạn kiểm soát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!