Một ngôi làng này ở Nepal mang biệt danh "thung lũng thận" khiến người nghe nhận ra ngay hoạt động mưu sinh chủ yếu ở đây là gì. Suốt nhiều năm qua, đây là điểm đến quen thuộc của những kẻ cò mồi, dụ dỗ người dân bán thận. Những người dân nghèo như anh Suman, chật vật cả về tài chính lẫn tinh thần, đã trở thành con mồi như vậy, bán 1 quả thận với giá chưa đầy 100 triệu đồng.
Anh Suman cho biết: "Tôi nợ nần chồng chất. Không còn cách nào khác, tôi đã nói chuyện với một người bạn và anh ấy đưa tôi đến Ấn Độ. Sau khi xong việc, tôi tỉnh dậy thì thấy yếu, mệt vô cùng. Thực sự rất đau. Giờ tôi không thể làm việc bình thường được nữa".
Dân làng nói rằng không thể đếm được có bao nhiêu người đã bán thận ở đây. Dù con số này đã giảm phần nào trong thời gian qua khi người dân được nâng cao nhận thức và nhìn thấy hậu quả về sức khỏe của những người sa vào đường dây mua bán thận nhưng cuộc khủng hoảng thận tại Nepal vẫn tiếp tục lan rộng.
Do nghèo đói, nhiều người trẻ tuổi chọn cách ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là ở các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông. Một số người hiện đang phải đối mặt với bệnh suy thận. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do tiếp xúc với nhiệt độ cao và mất nước nghiêm trọng do điều kiện làm việc kém.
Tình trạng mua bán thận trái phép diễn ra tràn lan tại Nepal (Ảnh: CNN)
Anh Jit Bahadur Gurung đã làm việc ở Saudi Arabia 3 năm. Giờ đây, người đàn ông 29 tuổi mất 12 tiếng mỗi tuần để chạy thận. Anh cho biết: "Tôi phải làm việc trong cái nóng cực độ lên tới 50oC. Chúng tôi không có thời gian để ăn trưa, đi vệ sinh hay uống nước nữa".
Có thể thấy rõ cuộc khủng hoảng thận tại Nepal trong trung tâm cấy ghép nội tạng người ở Bhaktapur. Các bác sĩ cho biết trước đây chỉ thực hiện cấy ghép thận cho bệnh nhân cao tuổi nhưng giờ có ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị tổn thương thận.
Bác sĩ Pukar Chandra - Giám đốc điều hành Trung tâm cấy ghép nội tạng người, Bhaktapur, Nepal - cho biết: "Khoảng 1/3 số bệnh nhân được cấy ghép của chúng tôi là những người đi lao động ở nước ngoài. Họ là những chàng trai trẻ khỏe mạnh, đủ sức khỏe làm việc. Thế nhưng khi trở về, họ đều bị suy thận hoàn toàn. Điều này đang gây ra gánh nặng lớn cho nguồn lực y tế của chúng tôi".
Trong khi chưa thể dẹp triệt để chợ đen mua bán thận, tình trạng các lao động trẻ bị tổn thương thận lại khiến khủng hoảng y tế tại Nepal thêm phức tạp. Hệ thống y tế vốn đã thiếu thốn lại thêm một bài toán mà giới chức phải đau đầu tìm cách tháo gỡ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!