Nhìn lại một năm đầy thăng trầm của nước Mỹ

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 23/01/2022 13:12 GMT+7

VTV.vn- Một năm trước, ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ với mục tiêu đẩy lui dịch bệnh, hàn gắn đất nước và tái lập vị thế Mỹ. Trong năm qua, những mục tiêu này đã được thực hiện?

Vào thời điểm kỷ niệm một năm ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng với tư cách Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, truyền thông thế giới có rất nhiều bài viết đánh giá về những gì ông đã làm được sau một năm cầm quyền. Tại sao lại có nhiều sự chú ý đến vậy cho năm đầu cầm quyền của một Tổng thống Mỹ?

Nguyên nhân là bởi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng sau một nhiệm kỳ nhiều xáo trộn của người tiền nhiệm Donald Trump. Ngay trước thời điểm ông chính thức bước vào Nhà Trắng, nền chính trị Mỹ hỗn loạn và đầy chia rẽ trong đại dịch COVID-19, vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội - Đồi Capital.

Ông Biden nhậm chức với cam kết thay đổi, đảo ngược các quyết sách của người tiền nhiệm. Nước Mỹ sẽ khác trước, sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, với danh tiếng được nâng lên trên vũ đài quốc tế. Và bây giờ là lúc giới phân tích trong và ngoài nước Mỹ đánh giá xem, sự đảo ngược mà ông Biden cam kết khi bước vào Nhà Trắng được thực hiện như thế nào.

Năm đầu tiên không dễ dàng đối với Tổng thống Joe Biden

Ngay trong năm đầu cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ghi dấu với nhiều quyết sách quan trọng cả đối nội và đối ngoại.

Nhìn lại một năm đầy thăng trầm của nước Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng sau một nhiệm kỳ nhiều xáo trộn của người tiền nhiệm (Ảnh: AP)

Tháng 3/2021: Gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD

Tháng 8/2021: Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm

Tháng 9/2021: Thỏa thuận ba bên về hợp tác quốc phòng với Anh và Australia (AUKUS)

Tháng 11/2021: Thông qua Luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD

Kiểm soát đại dịch là ưu tiên hàng đầu. Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Biden đã cho triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng và xét nghiệm hàng loạt. Nhờ đó, có thời điểm số ca mắc mới và số ca tử vong do Covid tại Mỹ xuống mức thấp chưa từng có. Hiện tại, khoảng 75% người Mỹ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COIVD-19. Trẻ em từ 5 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine.

"Gần 210 triệu người dân Mỹ đã tiêm vaccine đầy đủ nên phần đông đất nước đã an toàn trước COVID-19. Đó là vì sao số ca nhiễm mới trong nhóm người đã tiêm tăng lên nhưng số ca tử vong giảm đáng kể so với mùa đông năm ngoái" - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.

Kinh tế lại là lĩnh vực khó xác định được thành công hay thất bại. Năm qua, nước Mỹ có thêm 6,4 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã nhận nhiều chỉ trích khi tỷ lệ lạm phát ở mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng lớn nhất kể từ những năm 1980.

"Trong một thời gian dài, chúng ta tin rằng một lúc nào đó đại dịch ở lại phía sau và có thể trở lại cuộc sống trước đây. Giờ chúng ta nhận ra đó chỉ là một câu chuyện cổ tích. Lạm phát sẽ giảm xuống nhưng nhanh đến mức nào. Đối với ông Biden và Đảng Dân chủ, tốt hơn là nên nhanh chóng. Nếu không, họ sẽ phải trả giá vào cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11" - ông Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm chính trị Trường Đại học Virginia, cho biết.

Những chia rẽ trong Đảng Dân chủ đang trở thành cơn đau đầu của Tổng thống Mỹ tại Tòa nhà Quốc hội. Bắt đầu nhiệm kỳ, ông Biden nhận được tỷ lệ ủng hộ 56% và có 80 triệu phiếu bầu - nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ bắt đầu giảm khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan - một quyết định gây tranh cãi trong nội bộ đất nước - và khi biến thể Delta lan rộng, gây khó khăn cho việc thực hiện cam kết về kiểm soát dịch bệnh.

"Tôi nghĩ rằng các đồng minh đang rất sợ hãi khi Mỹ không thể giữ những cam kết. Điều đó làm các đồng minh của chúng tôi bối rối. Đó là một trong những lý do mà người Đức và những người châu Âu khác đã đi trước trong việc hợp tác với người Nga trong dự án Dòng chảy phương Bắc" - ông Andrew Smith, Giáo sư ngành Khoa học chính trị Đại Học New Hampshire, nhận định.

Sau 1 năm nắm quyền, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden hiện ở mức 35%, thấp hơn cả cựu Tổng thống Donald Trump ở thời điểm 1 năm cầm quyền.

Những thách thức của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương

Trong một năm qua, chính quyền Biden đã tiến hành nhiều nỗ lực để hàn gắn những vết rạn trong quan hệ với các đồng minh mà chính quyền tiền nhiệm để lại. Tái thiết các quan hệ đối tác, tổ chức lại vòng tròn đồng minh, bạn bè, tái khẳng định cam kết của Mỹ tại những khu vực ưu tiên là những biện pháp mà chính quyền của ông Biden tiến hành. Nhưng những hồ sơ đối ngoại lớn của Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Nhìn lại một năm đầy thăng trầm của nước Mỹ - Ảnh 3.

Thảo thuận hạt nhân vẫn là một trong những mối quan tâm mà Mỹ vấn đề khó khăn trong các hồ sơ đối ngoại của Mỹ (Ảnh: AP)

Khép lại năm đầu nhiệm kỳ, nhiều hồ sơ đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một dấu hỏi lớn.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn xa vời khi đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh năm 2019. Kho vũ khí của Triều Tiên ngày càng được hiện đại hóa với tên lửa siêu thanh và cả tên lửa siêu vượt âm.

Sau 4 vụ phóng thử tên lửa từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã chứng minh nước này sở hữu tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 10, tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Loại vũ khí siêu vượt âm này có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất, kể cả Patriot và THAAD của Mỹ.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong khi đó, tiến trình đàm phán nhằm nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa có kết quả đột phá nào. Mặc dù vậy, cơ hội vãn hồi thỏa thuận hạt nhân với Iran là vẫn còn.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: "Theo đánh giá của tôi sau thảo luận với các đồng nghiệp, vẫn có khả năng các bên trở lại với cam kết chung. Chúng ta đã chứng kiến một số tiến bộ khiêm tốn trong vài tuần đàm phán vừa qua. Các cuộc đàm phán hiện đã chưa đạt được điều chúng tôi muốn, trong trường hợp đó, một lộ trình khác với Tehran sẽ được tính tới".

Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với hai đối thủ Nga và Trung Quốc được dự báo vẫn sẽ quyết liệt. Với Trung Quốc, Mỹ đã thể hiện quan điểm tiếp tục chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc nhưng vẫn sẵn sàng hợp tác nếu điều đó nằm trong lợi ích của Washington.

Cạnh tranh về kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Biden tiếp tục gay gắt. Cạnh tranh về địa chính trị giữa hai nước tại các khu vực chiến lược chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Đặc trưng của kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Trung là sự cạnh tranh gay gắt, ngày càng gia tăng và rủi ro lớn hơn trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, công nghệ, thậm chí cả ý thức hệ" - ông Paul Haenle từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Những thách thức lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự vẫn chưa được hai nhà lãnh đạo giải quyết theo bất kỳ cách nào. Cuộc gặp trực tuyến hồi tháng 11 năm ngoái có thể là bước khởi đầu của một quá trình cho phép hai nước suy nghĩ lâu dài hơn, chiến lược hơn về cách giải quyết những thách thức giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Cạnh tranh Mỹ - Nga

Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Nga có chiều hướng gia tăng khi xu hướng chính sách cứng rắn đối với Moscow đang được chính quyền ông Biden đẩy mạnh hơn. Cuộc tham vấn giữa Nga và Mỹ về ổn định chiến lược và an ninh vào tháng cuối cùng của năm ngoái là cơ hội đối thoại song những trở ngại trong vấn đề Ukraine, kiểm soát vũ khí, vẫn là thách thức an ninh trong quan hệ Nga - Mỹ.

Có thể nói rằng, trong vấn đề đối ngoại, những "bài sát hạch" lớn đối với chính quyền Tổng thống Biden vẫn còn ở phía trước.

Thách thức đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Những điểm nóng trong chính sách đối nội và đối ngoại tiếp tục là thử thách mà Tổng thống Biden phải vượt qua. Nhưng người Mỹ cũng bầu Tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm chứ không phải một năm. Ông Biden vẫn còn thời gian để tìm cách giải những bài toán khó khăn của mình.

Theo ông Derrek Grossman, chuyên gia cao cấp tổ chức RAND Corporation, Mỹ, từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Biden mới chỉ đưa ra được một chiến lược an ninh quốc gia tạm thời. Chưa khi nào ông Biden coi Trung Quốc giống như một kẻ thù như thời cựu Tổng thống Trump.

Nhìn lại một năm đầy thăng trầm của nước Mỹ - Ảnh 4.

Chuyên gia cao cấp Derrek Grossman của tổ chức RAND Corporation (Ảnh: Twitter)

Chính quyền Biden duy trì chính sách vừa đối đầu vừa cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc. Như đã biết, Mỹ và Trung Quốc không thể đi chệch hướng bởi rõ ràng, hai cường quốc chỉ với sai lầm nhỏ cũng sẽ biến thành một tranh chấp lớn. Và hậu quả thì khó mà lường trước.

Hai bên đều cố gắng điều chỉnh mối quan hệ song phương đầy tranh cãi. Song đến nay, ông Derrek Grossman cho rằng, chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu cho sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Cạnh tranh và đối đầu có lẽ vẫn là chủ yếu. Thật khó để thiết lập lại mối quan hệ này và ông Derrek Grossman cho biết, thế bế tắc khó có thể sớm được dỡ bỏ do Mỹ và Trung Quốc còn quá khác biệt về lợi ích. Về cơ bản, Mỹ định vị Trung Quốc là cạnh tranh, về bản chất là đối thủ và theo nghĩa nhất định nào đó là kẻ thù. Vậy nên vòng xoáy tiêu cực này sẽ khó sớm tìm ra lối thoát.

Ông Derrek Grossman cũng cho biết, ở thời tổng thống Obama, chính sách với Triều Tiên là sự kiên nhẫn chiến lược, tức là kiên nhẫn chờ đợi để Triều Tiên tuyệt vọng và không còn đường nào khác, buộc phải đàm phán với Mỹ. Cách tiếp cận của ông Biden có phần giống song lại có đôi chút khác biệt.

Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Biden đưa ra các tiếp cận thông qua con đường ngoại giao và để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên. Washington tuyên bố rằng sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng bất kỳ thời điểm, tại bất kỳ địa điểm nào mà không cần điều kiện ràng buộc. Tuy nhiên, chưa có sự tiến triển nào trên thực tế. Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách này còn có hiệu quả không? Và từ đầu tháng 1 năm nay, trong vòng 19 ngày, Triều Tiên tiến hành ít nhất 5 vụ thử tên lửa. Có lẽ Triều Tiên muốn gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, với Mỹ, vốn đang phải tập trung tháo gỡ các điểm nóng như vấn đề với Nga hiện nay thì Triều Tiên sẽ chưa phải ưu tiên của chính quyền Biden trên bàn đàm phán. Và khả năng sẽ không có nhiều thay đổi về chính sách trong cách tiếp cận của Mỹ về Triều Tiên.

Mỹ có nhiều ưu tiên khác và thực tế Triều Tiên không nằm trong trọng tâm chương trình nghị sự hiện nay của chính quyền Biden. Triều Tiên có một thỏa thuận trong đó, điều kiện tiên quyết là yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Thực tế, nhiều năm qua, trải qua nhiều đời Tổng thống Mỹ, Triều Tiên vẫn giữ và phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình. Vậy nên chắc chắn Tổng thống Biden cũng như các đời Tổng thống trước đó, dù bên Dân chủ hay Cộng hòa sẽ không sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đó của Triều Tiên. Vì vậy, sẽ rất khó có bước tiến bộ nào sớm đạt được về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Sự tiến bộ, có chăng sẽ đạt được nếu Mỹ công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân.

Quan hệ Mỹ - Nga chưa có dấu hiệu cải thiện

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken vừa có chuyến công du châu Âu nhằm xoa dịu các nước đồng minh và tìm cách tháo ngòi nổ cho những căng thẳng liên quan tới Nga, Ukraine. Nhưng cũng như những nỗ lực ngoại giao cấp cao mà Nhà Trắng thực hiện từ trước đến giờ với Nga, kết quả của chuyến công du này khá hạn chế.

Ngày 21/1, cái bắt tay gượng gạo của hai nhà Ngoại trưởng trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Có lẽ Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đều cảm nhận thế bế tắc trong nỗ lực tháo ngòi nổ xung đột tại biên giới Nga - Ukraine.

Nhìn lại một năm đầy thăng trầm của nước Mỹ - Ảnh 5.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: AP)

"Tôi đã nghe một trong những phát biểu cuối cùng của ông trong chuyến công du châu Âu rằng ông không mong đợi một bước đột phá từ cuộc đàm phán này. Chúng tôi cũng không mong đợi điều đó" - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định.

Nhìn lại một năm đầy thăng trầm của nước Mỹ - Ảnh 6.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (Ảnh: AP)

"Chúng tôi không mong đợi giải quyết những khác biệt của chúng ta ở đây ngày hôm nay nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể xem xét con đường ngoại giao và đối thoại có còn được tiếp tục hay không" - Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh.

Mỹ liên tục tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm ngăn những hành động răn đe cứng rắn của Nga ở khu vực biên giới với Ukraine. Từ việc Tổng thống Biden hội đàm với người đồng cấp Nga Putin để hạ nhiệt căng thẳng rồi Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ liên tục điện đàm với các đối tác, đồng minh châu Âu để tìm giải pháp đối phó với Nga.

Tuy nhiên, với Moscow, việc Mỹ và Phương Tây vượt qua lằn ranh đỏ, tức là đồng ý cho Ukraine gia nhập NATO và mở rộng trận tuyến quân sự về phía Đông, đồng nghĩa sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến.

Các động thái quân sự gần biên giới Ukraine của Nga cho thấy chưa có dấu hiệu thỏa hiệp nào từ chính quyền Moscow. Song để hạ nhiệt căng thẳng, trong tuần tới, Mỹ đồng ý trả lời bằng văn bản với các yêu cầu an ninh của Nga, trong đó có việc NATO không kết nạp Ukraine. Động thái này giúp cho cánh cửa ngoại giao giữa Nga và Mỹ tiếp tục mở ra.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, duy trì đối thoại thông qua các biện pháp ngoại giao tăng cường với Nga vẫn là ưu tiên số 1 của Mỹ trong giải quyết căng thẳng Nga - Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định vẫn phối hợp chặt chẽ với các đồng minh NATO để chuẩn bị cho kịch bản thứ hai, xấu hơn trong trường hợp Nga hành động mạnh tay. Theo đó, các lệnh trừng phạt toàn diện, được cho là hết sức nghiêm khắc, sẽ sẵn sàng được áp đặt với Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước