Tuy nhiên, hoạt động đấu bò cũng gặp phải không ít tranh cãi, khi các nhà hoạt động xã hội cho rằng đây là hành vi ngược đãi động vật.
Cậu bé 9 tuổi Cesar Paredes bước vào trường đấu trong bộ trang phục đấu bò truyền thống của Venezuela, trước sự hoan nghênh nhiệt liệt của đám đông. Cesar Paredes nhỏ bé, nhưng có ước mơ lớn trở thành đấu sĩ bò tót. Cậu là một trong số 17 học viên tuổi từ 6-14 tuổi tại trường dạy đấu bò tót ở Merida. Lớp học của cậu có cả học viên nữ.
Em Cesar Paredes - Học viên đấu bò tót nói: "Một ngày nào đó, cháu muốn bước qua cánh cửa lớn với tư cách là một đấu sĩ bò tót cừ khôi".
Lớp học đấu bò tót này kéo dài 3 tiếng. Các học viên nhỏ tuổi được học từ những điều cơ bản nhất như tư thế đứng và cách dang rộng cánh tay khi vung áo choàng về phía con bò. Cả Casear lẫn anh trai đều được mẹ hướng nghiệp từ khi còn nhỏ, bởi đấu bò là một nghề tạo ra thu nhập không tồi ở Venezuela, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài tại quốc gia này.
Ông Enrique Torres - Huấn luyện viên đấu bò: "Tôi ngạc nhiên khi thấy lũ trẻ học rất nhanh. Tôi rất vui vì chúng tôi có những thế hệ kế cận mạnh mẽ như vậy".
Tuy nhiên, truyền thống đấu bò tại Venezuela cũng vấp phải sự phản đối của những nhà hoạt động xã hội vì quyền động vật. Quốc hội Venezuela thậm chí còn đang xem xét luật chống lạm dụng động vật mà nếu được thông qua, hoạt động đấu bò tại Venezuela sẽ trở thành quá khứ.
Chị Amanda Bucce - Tình nguyện viên Hiệp hội bảo vệ động vật Merida: "Điều quan trọng là cần sự hỗ trợ của người dân bằng cách không tham gia các sự kiện đấu bò. Chúng ta cần chung tay chống ngược đãi động vật".
Hiện ngoài Venezuela còn 7 quốc gia khác vẫn cho phép đấu bò, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nhưng đôi khi cũng cũng kèm theo một vài hạn chế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!