Các nhóm tham gia cuộc biểu tình bao gồm: Tổ chức Liên minh Bệnh nhân Hàn Quốc và Tổ chức Bệnh hiếm Hàn Quốc. Cuộc biểu tình đã gây gián đoạn hoạt động tại các bệnh viện lớn, trong khi tiến độ khởi động đối thoại giữa chính phủ và cộng đồng y khoa vẫn còn chậm chạp.
Bên cạnh đó, các giáo sư y khoa hiện cũng đã tham gia cuộc bãi công. Trong tình hình này, nhiều bệnh viện lớn tại Seoul đã phải bắt đầu cắt giảm việc chăm sóc bệnh nhân, hay tạm dừng việc điều trị cho bệnh nhân ngoại trú và các ca phẫu thuật không khẩn cấp.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc kêu gọi các giáo sư y khoa không áp dụng các biện pháp cực đoan như bãi công tập thể vô thời hạn, đồng thời nhấn mạnh chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để giúp họ hoàn thành khóa đào tạo.
Nhiều tổ chức tại Hàn Quốc kêu gọi bác sĩ chấm dứt đình công, ngày 4/7 (Ảnh: Yonhap)
Không ít bệnh nhân đã lên tiếng chỉ trích những động thái đình công dai dẳng của các bác sĩ ở nhiều bệnh viện.
Bà Kim Jeong-ae (mẹ của bệnh nhân đang điều trị bệnh hiếm) cho biết: "Chúng tôi không chọn đi theo phía chính phủ hay bác sĩ. Chúng tôi chỉ muốn có lại môi trường được điều trị y tế mà người bệnh không cần phải lo lắng gì cả".
Ông An Gi-jong - Chủ tịch Tổ chức Liên minh bệnh nhân Hàn Quốc - cho rằng: "Không cần phải liệt kê ra những nỗi lo lắng và ảnh hưởng tới sức khỏe tới những bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp, có bệnh hiếm, bệnh nan y và bệnh mãn tính. Chúng tôi đã chứng kiến điều này ở góc độ bệnh nhân và giờ là từ góc độ của người nhà bệnh nhân. Vì sao tất cả chúng tôi phải chịu đựng, thấy lo lắng và rồi bị ảnh hưởng từ cuộc đình công này? Bệnh nhân đã có bệnh rồi và giờ họ còn chịu hậu quả từ quyết định của các bác sỹ và nhân viên y tế nữa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!