Theo thống kê, hiện nay đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Hệ thống pháp luật và cơ quan thực thi đủ mạnh đã cho phép các nước bảo vệ mạnh mẽ dữ liệu cá nhân của người dân, như tháng 8 năm ngoài Cơ quan Giám sát quyền bảo mật dữ liệu Pháp đã mở cuộc điều tra sơ bộ với ứng dụng chia sẻ video TikTok.
Tháng 7/2019, Facebook bị Ủy ban Thương mại Mỹ phạt 5 tỷ USD vì bê bối để lộ dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng. Tháng 9/2019, cơ quan này đã phạt Google 150 triệu USD vì thu thập dữ liệu trẻ em trái phép qua ứng dụng Youtube.
Nhiều nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ thông tin cá nhân vào tháng 5/2017, điều chỉnh đối với tất cả các công ty kinh doanh có trụ sở tại Nhật Bản hay ở nước ngoài khi kinh doanh tại Nhật Bản. Nước này thành lập Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân nhằm tăng cường quản lý các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Google, Facebook, Amazon…
Tháng 5/2018, Liên minh châu Âu đã ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu chung châu Âu, yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định cụ thể, rõ ràng về cách thu thập thông tin cá nhân, địa điểm lưu trữ dữ liệu, loại hình dữ liệu được phép chia sẻ, các công ty nằm ngoài lãnh thổ châu Âu cũng phải chấp hành các quy định này. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ có nguy cơ đối mặt với mức phạt lên tới 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm.
Hệ thống bảo mật thông tin của Mỹ được cho là lâu đời, mạnh mẽ và có hiệu quả nhất trên thế giới. Ngoài đạo luật của chính quyền các bang, chẳng hạn như Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của California, các đạo luật của liên bang gần đây được ban hành với một số quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các luật chuyên ngành nhằm đảm bảo cho vấn đề an ninh được an toàn và chặt chẽ hơn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đã có đạo luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tháng 10/2012, Nghị viện Singapore đã thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật chuyên ngành của nước này cũng có quy định về vấn đề này như: Luật An ninh mạng và máy tính; Luật Bí mật công vụ, Luật Thống kê; Luật Giao dịch điện tử, Luật Ngân hàng, Luật Viễn thông…
Thực tế các quốc gia có hệ thống luật chặt chẽ và cơ quan thực thi pháp luật mạnh có khả năng giảm đáng kể tình trạng lộ lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!