Nhiều nước ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/07/2020 20:19 GMT+7

VTV.vn - Nhiều quốc gia châu Á tiếp tục lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việc lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông nói trên diễn ra sau tuyên bố vào ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vấn đề Biển đông,

Phát biểu tại cuộc họp báo trong ngày 16/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhấn mạnh, Biển Đông là một phần của các lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích gắn chặt với hòa bình và ổn định trong khu vực này và cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Nhiều nước ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (trước) và tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ cùng các tàu chiến và máy bay dàn đội hình ở Biển Đông hôm 6-7 - Ảnh: AP/Hải quân Mỹ

Cùng quan điểm này, Malaysia Indonesia cũng khẳng định nhất quán lập trường rằng, các bên cần hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trước đó, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng, theo đó coi "các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp".

Nhiều nước ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: AP)

Liên quan tuyên bố trên của Ngoại trưởng Mỹ, ngày 15/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.

Việt Nam phản ứng trước phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông Việt Nam phản ứng trước phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông

VTV.vn - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước