Tình hình ở Bangladesh đang căng thẳng sau khi Thủ tướng nước này Sheikh Hasina từ chức. Bà Hasina - người đã giữ chức Thủ tướng Bangladesh trong 15 năm - đã từ chức và rời khỏi đất nước trong bối cảnh các cuộc biểu tình leo thang phản đối hệ thống hạn ngạch việc làm.
Trong những tháng gần đây, tình hình ở nước này đã trở nên mất kiểm soát. Gần 300 người đã thiệt mạng sau khi chính quyền Bangladesh cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình bằng vũ lực.
Chính phủ lâm thời do ông Muhammad Yunus (84 tuổi) lãnh đạo có một nhiệm vụ vô cùng to lớn phía trước - đó là khôi phục lại trạng thái bình thường ở Bangladesh. Tuy nhiên, ông Yunus không có ý định tìm kiếm bất kỳ chức vụ được bầu hoặc bổ nhiệm nào ngoài vai trò là cố vấn trưởng trong nhiệm kỳ lâm thời.
Trước đó, ông Yunus đã nói rằng ông sẽ tìm kiếm sự hợp tác của tất cả các bên liên quan trong việc tái thiết Bangladesh.
Một số quốc gia - trong đó có Canada, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - đã khuyến cáo công dân nước mình tránh đi du lịch không cần thiết đến Bangladesh đang bị xung đột tàn phá.
Pháp đã khuyến cáo công dân hạn chế đến Bangladesh mặc dù tình hình có vẻ đang dần trở lại bình thường. Trong khuyến cáo du lịch được ban hành vào ngày 7/8, Bộ Ngoại giao Pháp đã yêu cầu công dân nước mình tránh đi du lịch đến Bangladesh.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng khuyến cáo công dân Pháp tại Bangladesh hạn chế ra ngoài và tránh đám đông.
Ông Muhammad Yunus (giữa) được cảnh sát Pháp hộ tống khi ông đến sân bay Roissy-Charles de Gaulle ở Paris, Pháp vào ngày 7/8 (Ảnh: AFP)
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nâng mức thông tin nguy hiểm của Bangladesh vào ngày 21/7. Bộ này cũng khuyến nghị công dân Nhật Bản chỉ nên đến Bangladesh nếu thực sự cần thiết.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ban hành "Thông tin nguy hiểm" cho các quốc gia và khu vực mà người dân và du khách cần thận trọng hơn. Hiện Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa thay đổi đánh giá của mình về tình hình ở Bangladesh.
Vào ngày 5/8 - ngày Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo du lịch đối với Bangladesh lên cấp độ 4 - "Không được du lịch". Đại sứ quán Mỹ tại Bangladesh đã khuyến cáo công dân của mình không nên đến Bangladesh do tình hình bất ổn dân sự, tội phạm và khủng bố.
Đại sứ quán cho biết Chính phủ Mỹ có khả năng sẽ hạn chế việc cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho công dân Hoa Kỳ tại Bangladesh. Đại sứ quán Mỹ cho rằng những hạn chế này là do khó khăn trong việc đi lại, thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực ứng phó khẩn cấp của chính phủ nước sở tại.
Do lo ngại về an ninh, nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Bangladesh phải tuân theo một số hạn chế về di chuyển và đi lại.
Chính phủ Mỹ đã cảnh báo công dân nước này rằng các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra mà không có hoặc ít cảnh báo.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho các nhân viên Chính phủ Mỹ không phải là trường hợp khẩn cấp và các thành viên gia đình tự nguyện rời khỏi Bangladesh.
Sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal của Dhaka đã tạm dừng hoạt động vào ngày 5/8. Chính phủ Mỹ đã khuyến cáo du khách nên kiểm tra với các hãng hàng không để xác nhận tình trạng các chuyến bay trong tương lai.
Australia khuyến cáo người dân nước này không nên đi du lịch Bangladesh do tình hình an ninh bất ổn tại đây. Bộ ngoại giao Australia cảnh báo công dân sống tại Bangladesh tránh tụ tập đông người, theo dõi phương tiện truyền thông địa phương và làm theo lời khuyên của chính quyền sở tại.
Canada khuyến cáo công dân tránh đi lại không cần thiết đến Bangladesh do các vụ đụng độ chính trị bạo lực và những cuộc biểu tình ở Banglsdesh, cũng như các cuộc đình công trên toàn quốc. Canada cảnh báo công dân rằng tình hình an ninh có thể xấu đi mà không có cảnh báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!