Nhiều nước ghi nhận ca nhiễm chủng phụ BA.4 và BA.5, Macau (Trung Quốc) xét nghiệm COVID-19 toàn dân lần 3

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 27/06/2022 06:00 GMT+7

Hơn 548,9 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 27/6, thế giới có trên 548,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,35 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 88,78 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,04 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 6.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Khoảng 33% trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Mỹ hiện nay xuất phát từ các chủng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Điều này đang khiến hai biến thể phụ này có thể trở thành chủ đạo tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính rằng, 11,4% và 23,5% các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ lần lượt là do các biến phụ BA.4 và BA.5 gây ra. Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy, những biến thể phụ này thoát khỏi khả năng miễn dịch hiệu quả hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/6, nước này ghi nhận gần 12.00 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 43,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 525.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 670.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,06 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ước tính khoảng 1,7 triệu người ở Anh đã nhiễm COVID-19 trong tuần qua, tăng 23% so với 1,4 triệu của tuần trước đó, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết.

Số ca mắc mới COVID-19 đang tiếp tục tăng ở tất cả 4 quốc gia thuộc Vương quốc Anh, trong đó sự gia tăng có thể do các trường hợp lây nhiễm tương thích với những biến thẻ phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Đây là con số cao nhất về tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Anh kể từ cuối tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng kỷ lục 4,9 triệu trường hợp vào cuối tháng 3.

Viện Y tế Cộng đồng Croatia cho biết, nước này đã ghi nhận các ca nhiễm hai dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Thông báo có đoạn: "Trong bối cảnh tất cả các biện pháp dịch tễ học (ở Croatia) đã được gỡ bỏ, virus SARS-CoV-2 lây lan dễ dàng hơn và các biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 đã vượt qua khả năng miễn dịch có được do tiêm chủng hoặc đã từng mắc bệnh (COVID-19) trong quá khứ".

Đế ngăn chặn nguy cơ gia tăng số ca mắc mới, Viện Y tế Cộng đồng Croatia đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tiêm chủng phòng ngừa. Người đứng đầu Phòng khám các bệnh truyền nhiễm quốc gia, bà Alemka Markotich, cảnh báo, việc gia tăng số ca nhiễm đồng nghĩa làn sóng dịch mới đã xuất hiện và các cơ quan hữu quan đang theo dõi chặt diễn biến tình hình dịch tễ.

Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach thông báo, nước này sẽ chấm dứt việc xét nghiệm nhanh sàng lọc COVID-19 miễn phí từ cuối tháng 6 này do ngân sách eo hẹp. Hiện việc xét nghiệm nhanh đối với COVID-19 vẫn được miễn phí, nhưng điều này sẽ thay đổi từ ngày 30/6 tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Lauterbach cho biết, do tình hình ngân sách khó khăn nên mỗi trường hợp xét nghiệm nhanh sẽ bị tính phí 3 Euro (3,16 USD), ngoại trừ các nhóm nguy cơ. Dự kiến, nhóm nguy cơ này sẽ vẫn được xét nghiệm nhanh miễn phí qua mùa hè.

Nhiều nước ghi nhận ca nhiễm chủng phụ BA.4 và BA.5, Macau (Trung Quốc) xét nghiệm COVID-19 toàn dân lần 3 - Ảnh 1.

Đức sẽ chấm dứt việc xét nghiệm nhanh sàng lọc COVID-19 miễn phí. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh, chi phí trung bình mà nhà nước phải bỏ ra cho việc xét nghiệm nhanh vào khoảng 1 tỷ Euro và do ngân sách eo hẹp hiện nay nên Chính phủ không thể đảm bảo việc tiếp tục xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, việc xét nghiệm nhanh miễn phí vẫn được tiếp tục thực hiện đối với các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ bắt đầu thai kỳ và người đến các phòng khám hay viện dưỡng lão.Chủng phụ BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại Đức, chiếm khoảng một nửa số ca mắc mới ở nước này.

Hy Lạp thông báo tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 tăng cường thứ 2 cho người từ 30 tuổi trở lên bắt đầu từ tuần tới. Theo hãng Thông tấn quốc gia Hy Lạp AMNA, cơ quan tiêm vaccine nước này tái khẳng định khuyến cáo mạnh mẽ rằng những người từ 60 tuổi trở lên nên tiêm liều tăng cường thứ 2. Nhóm người này có thể tiêm liều tăng cường thứ 2 từ đầu tháng 4. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Hy Lạp tăng trong tháng 6.

Bộ Y tế công cộng Lebanon cảnh báo, quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới, đồng thời hối thúc người dân tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Cảnh báo trên được đưa ra trong một tuyên bố sau khi Ủy ban điều hành về vaccine nước này tổ chức một cuộc họp khẩn, thảo luận các diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh.

Tuyên bố dẫn các số liệu tại Lebanon và nhiều quốc gia khác trên thế giới, hiện ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng đáng báo động, nêu rõ, nước này đang đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới dự kiến sẽ lây lan mạnh hơn và nhanh hơn. Do vậy, người dân cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt, đặc biệt khi mới chỉ có khoảng 45% dân số nước này đã tiêm phòng.

Tuyên bố nhấn mạnh thêm rằng người dân sẽ được tiêm vaccine miễn phí tại bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào trên cả nước, bất kể đó là mũi tiêm đầu tiên, mũi thứ hai hay mũi tăng cường, và không cần đặt lịch hẹn.

Hiện Lebanon ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc và 10.460 người thiệt mạng vì COVID-19.

Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) cho biết đã cấp phép đăng ký sử dụng có điều kiện cho vaccine ngừa COVID-19 Coronavac của Sinovac Biotech (Trung Quốc) trong bối cảnh các quy định hạn chế phòng ngừa dịch bệnh, bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang, được dỡ bỏ. Trong một tuyên bố trên website của mình, SAHPRA cho biết, vaccine CoronaVac được sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên, có thời hạn sử dụng trong hai năm khi được bảo quản từ 2 đến 8 độ C. Tuyên bố cũng cho biết, các tác dụng phụ của Coronavac, như được nêu trong bằng chứng thử nghiệm lâm sàng, thường nhẹ hoặc trung bình và hết trong vài ngày sau khi tiêm.

Ngày 3/7/2021, vaccine Coronavac đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp có điều kiện, một trong số đó là nó phải dựa vào kết quả nghiên cứu lâm sàng cuối cùng. Cho đến nay, vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac đã có mặt tại hơn 60 quốc gia với tổng nguồn cung gần 2,9 tỷ liều.

Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) tuyên bố đã kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 sau 4 tháng nỗ lực. Theo thông báo của giới chức sở tại, thành phố Thượng Hải đã lần đầu tiên không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 nào kể từ tháng 3/2022, khi đợt bùng phát biến chủng Omicron khiến giới chức Trung Quốc quyết định ban bố một loạt biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Tuy vậy, Thượng Hải vẫn trong tình trạng cảnh giác cao với dịch. Chính quyền Thượng Hải dự kiến tiếp tục xét nghiệm 25 triệu cư dân vào mỗi cuối tuần trong một tháng tới.

Nhiều nước ghi nhận ca nhiễm chủng phụ BA.4 và BA.5, Macau (Trung Quốc) xét nghiệm COVID-19 toàn dân lần 3 - Ảnh 2.

Thượng Hải đã lần đầu tiên không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 kể từ tháng 3/2022. (Ảnh: AP)

Sở giáo dục thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc thông báo sẽ mở cửa trở lại trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang giảm dần ở thành phố thủ đô quốc gia đông dân nhất thế giới này. Cụ thể, học sinh năm đầu và năm thứ hai của trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh tiểu học cơ sở ở Bắc Kinh sẽ trở lại trường vào ngày 27/6, trong khi trường mẫu giáo sẽ mở cửa trở lại trong ngày 4/7. Những học sinh vẫn ở trong vùng dịch bệnh đang bị quản lý chặt chẽ và cách ly tại nhà sẽ tiếp tục học online.

Ngày 26/6, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 39 ca nhiễm COVID-19 mới. Tổng số người mắc COVID-19 ở Trung Quốc là 225.526 trường hợp, số ca tử vong là 5.226 bệnh nhân.

Chính quyền đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) sẽ tiến hành xét nghiệm bắt buộc lần thứ 3 đối với toàn bộ người dân sau khi ghi nhận tổng cộng 299 ca mắc mới COVID-19 kể từ ngày 18/6. Theo đó, từ 9h ngày 27/6 đến 18h ngày 28/6 (theo giờ địa phương), toàn bộ người dân Macau và những người đang có mặt ở Macau đều phải thực hiện xét nghiệm axit nucleic tại các trung tâm xét nghiệm cộng đồng. Trước khi đến điểm xét nghiệm, người dân phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, chỉ những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính mới được vào nơi xét nghiệm cộng đồng.

Bà Âu Dương Du, Giám đốc Sở văn hóa và xã hội Macau cho biết, nhà chức trách đặc khu sẽ tăng thêm điểm xét nghiệm axit nucleic nhằm giảm bớt dòng người tại mỗi điểm xét nghiệm và hạn chế tình trạng tụ tập đông người. Trước đó, Macau đã thực hiện 2 lần xét nghiệm axit nucleic trên toàn đặc khu vào các ngày 19 - 21/6 và 23 - 24/6.

Số ca mắc mới COVID-19 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục tăng lên. Ngày 26/6, Hong Kong ghi nhận thêm 1.917 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 118 người nhập cảnh.

Singapore tiếp tục nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đối với lao động nhập cư. Theo đó từ ngày 24/6, các lao động nhập cư tại nước này không còn phải xuất trình giấy phép đặc biệt mới được rời khỏi ký túc xá nữa. Như vậy, những lao động nhập cư được tuyển dụng làm việc trong các ngành như xây dựng và bảo dưỡng tại Singapore sẽ không còn cần thẻ thông hành.

Tuy nhiên, nhà chức trách Singapore vẫn yêu cầu những lao động này phải xin giấy phép đến 4 địa điểm nổi tiếng vào các ngày Chủ nhật và ngày nghỉ lễ với số lượng lên đến 80.000 giấy phép/ngày. Một người phát ngôn Bộ Lao động Singapore cho rằng, biện pháp này nhằm kiểm soát đi lại của các lao động nhập cư tại những khu vực nói trên nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vì đại dịch vẫn chưa chấm dứt.

Tại các ký túc xá ở Singapore hiện có khoảng 300.000 lao động nhập cư sinh sống, phần lớn đến từ khu vực Nam Á. Những khu nhà ở tập thể này đã bị đại dịch COVID-19 tấn công và phải áp dụng các biện pháp phong tỏa kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây.

Liên danh Pfizer và BioNTech đã công bố kết quả sơ bộ khả quan của hai loại vaccine mới trong ngăn ngừa biến thể Omicron. Kết quả trên được đưa ra sau khi nghiên cứu sơ bộ 1.234 người trên 56 tuổi đã được tiêm mũi tăng cường bằng hai loại vaccine cải tiến, được điều chỉnh phù hợp chống các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Theo Pfizer, cả hai loại vaccine cải tiến trên đều có thể vô hiệu hóa các dòng phụ BA.4 và BA.5, vốn là chủng virus chủ đạo trong số các ca mắc COVID-19 thời gian gần đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi tiêm mũi tăng cường bằng hai loại vaccine nói trên, cơ thể đã kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn nhiều so với vaccine ban đầu. Các dữ liệu về tính an toàn, hiệu quả và khả năng dung nạp cũng rất khả quan.

Dù vậy, Pfizer-BioNTech vẫn muốn thu thập thêm dữ liệu về mức độ hiệu quả của những vaccine cải tiến này đối với các biến thể xuất hiện gần đây.

Anh: Ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh với khoảng 1,7 triệu trường hợp mắc mới tuần qua Anh: Ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh với khoảng 1,7 triệu trường hợp mắc mới tuần qua Nhiều nước trước nguy cơ bùng dịch trong mùa hè, biến thể SARS-CoV-2 có khả năng tránh miễn dịch Nhiều nước trước nguy cơ bùng dịch trong mùa hè, biến thể SARS-CoV-2 có khả năng tránh miễn dịch Dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng tại Pháp Dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng tại Pháp

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước