Nhiều nước Đông Nam Á đứng trước nguy cơ khủng hoảng COVID-19

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ bảy, ngày 29/05/2021 06:00 GMT+7

Hơn 169,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 29/5, thế giới có trên 169,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,53 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34 triệu ca mắc và hơn 608.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 16.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 28/5, nước này ghi nhận hơn 171.700 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 14/4 vừa qua và trên 3.500 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 27,7 triệu người mắc COVID-29, bao gồm hơn 322.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa thuyên giảm, các trung tâm tiêm phòng vaccine COVID-19 tại Ấn Độ luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất. Ở một trung tâm tiêm phòng tại bang Gujarat, giá tiêm vaccine COVID-19 là 14 USD (tương đương 320.000 đồng), khá cao so với hầu hết trung tâm khác ở Ấn Độ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản những người đi ô tô, xếp hàng dài tới hơn 3 km, sẵn sàng đợi trong nhiều giờ đồng hồ để được tiêm vaccine.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, Ấn Độ đã bỏ qua các thử nghiệm trong nước đối với vaccine COVID-19 nước ngoài có uy tín. Hiện tỷ lệ dân số Ấn Độ đã được tiêm đủ liều vaccine COVID-19 là khoảng 3%, thấp nhất trong số 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục lây lan tại Ấn Độ, chính quyền bang Tây Bengal đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 15/6 tới nhằm giảm hơn nữa số ca nhiễm mới tại bang này Trong khi đó, giới chức Ấn Độ cho rằng, lệnh phong tỏa tại thủ đô New Delhi sẽ được nới lỏng "rất rất chậm" dù số nhiễm mới tại một số thành phố lớn đang trên đà giảm sau nhiều tuần áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các khu vực nông thôn đang chứng kiến số ca bệnh gia tăng, khiến hệ thống y tế có nguy cơ quá tải và đã có ít nhất 160.000 ca tử vong kể từ đầu tháng 3 đến nay. 

Trong khi đó, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal khẳng định, thành phố này đã khống chế được làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 và sẽ bắt đầu từng bước dỡ bỏ phong tỏa từ tuần tới. Theo đó, số ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô New Delhi đang giảm dần đều, tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống còn 1,5%. Điểm nổi bật là các bệnh viện trong thành phố đã không còn tình trạng thiếu giường bệnh, trong đó có các giường điều trị tích cực và giường dành cho bệnh nhân thở oxy. Các hoạt động xây dựng và sản xuất sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 31/5. Thủ đô New Delhi đã bị phong tỏa hoàn toàn từ ngày 19/4. Ngày 28/5, thành phố này đã ghi nhận 1.072 ca mắc mới và 117 trường hợp tử vong.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 456.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 16,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nhiều nước Đông Nam Á đứng trước nguy cơ khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 ở Nam Á đã vượt mốc 30 triệu người. (Ảnh: AP)

Số ca mắc COVID-19 ở Nam Á đã vượt mốc 30 triệu người trong bối cảnh khu vực này đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vaccine. Khu vực Nam Á, gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka, hiện đã ghi nhận 18% tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, trong khi số ca tử vong là gần 10%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những con số thống kê này trên thực tế còn cao hơn nhiều. Ấn Độ, một điểm nóng của COVID19 tại Nam Á và thế giới hiện nay, đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi năm 2020. Dù là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn trên thế giới, quốc gia này cũng đang gặp vấn đề về nguồn cung trong nước do nhu cầu quá lớn.

Theo kế hoạch của Đức, nhóm trẻ từ 12 - 16 tuổi ở nước này có thể được tiêm những mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ ngày 7/6 cho tới cuối tháng 8. Thủ tướng Angela Merkel cho biết, tới cuối mùa hè này, những người từ 12 tuổi trở lên ở Đức đều có thể được tiêm chủng với vaccine Pfizer-BioNTech. Bộ Y tế Đức ước tính, có khoảng 60% trong tổng số khoảng 5,3 triệu trẻ (ở nhóm tuổi 12 - 16) sẵn sàng tiêm chủng.

Tính đến ngày 27/5, Đức đã tiến hành tiêm chủng ít nhất một mũi cho 41,5% dân số và 15,7% đã được tiêm đủ liều. Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia này là trên 3,6 triệu trường hợp, bao gồm hơn 88.800 bệnh nhân tử vong.

Ngày 28/5, giới chức Hungary cho biết. nước này đã ghi nhận hai ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ. Phát biểu tại cuộc họp báo, quan chức cấp cao chỉ đạo chương trình tiêm phòng của Chính phủ Hungary, ông Istvan Gyorgy, nêu rõ: "Biến thể phát hiện ở Ấn Độ đang hiện diện ở Hungary và theo các chuyên gia, chúng tôi không thể loại trừ khả năng xảy ra một làn sóng dịch bệnh mới".

Liên tục trong những tuần qua, số trường hợp lây nhiễm COVID-19 tại Đông Nam Á gia tăng mạnh. Một số chuyên gia nhận định, các kịch bản đang diễn ra ở Đông Nam Á có thể sẽ tương tự như những gì đã được chứng kiến ở Ấn Độ và Nepal nếu các quốc gia không kịp thời kiểm soát dịch. Một dự báo của Economist Intelligence Unit công bố vào tháng 4 cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á sẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng cho tới ít nhất cuối năm 2022. Chính vì thế, ý thức tự giác tuân thủ các biện pháp giãn cách của mỗi người càng cần được nêu cao để tránh cho Đông Nam Á gặp khủng hoảng vì đại dịch như tại Nam Á.

Nhiều nước Đông Nam Á đứng trước nguy cơ khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 2.

Ngày 28/5, Malaysia ghi nhận thêm 8.290 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. (Ảnh: AP)

Malaysia đã phát hiện hơn 1.000 ổ dịch COVID-19 ở nơi làm việc chỉ trong vòng 4 tháng qua. Những ổ dịch này có liên quan tới hơn 129.000 ca mắc mới. Dù Malaysia đã áp đặt lệnh hạn chế di chuyển lần thứ 3 từ hôm 12/5 nhưng số lượng ổ dịch ở nơi làm việc vẫn không giảm. Để đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục, giới chức nước này đã áp dụng chiến dịch đảm bảo an toàn nơi làm việc. Trong đó, đáng chú ý là việc các công ty thành lập Đội Cấp cứu COVID-19 và tiến hành vệ sinh định kỳ.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Malaysia dao động ở mức từ 6.000 - 7.000 ca mỗi ngày trong tuần qua. Số liệu gần đây cho thấy, số ca mắc ở trẻ em và trẻ sơ sinh tại Malaysia đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Hiện hơn 48.000 trẻ em tại quốc gia này bị nhiễm COVID-19.

Ngày 28/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc trong hai tuần, từ ngày 1 - 14/6, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do dịch COVID-19 tăng vọt. Thủ tướng Muhyiddin cho biết, các biện pháp phong tỏa được áp dụng đối với mọi hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, ngoại trừ các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Ngày 28/5, nước này đã ghi nhận thêm 8.290 ca mắc mới COVID-19, lần đầu tiên vượt mốc 8.000 ca/ngày và là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Cùng ngày, Malaysia cũng ghi nhận 61 bệnh nhân tử vong, tương đương mức kỷ lục của ngày 24/5. Tính đến nay, Malaysia đã ghi nhận hơn 549.500 ca mắc COVID-19 và trên 2.500 trường hợp thiệt mạng.

Thái Lan trong ngày 27/5 đã ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất từ đầu dịch với 47 người. Hiện các cơ sở y tế tại Thái Lan đang đứng trước nguy cơ quá tải do số ca mắc mới tăng liên tục. Nhà chức trách nước này đã phải nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các nhà tù, chợ và nơi ở của công nhân xây dựng. Ngày 28/5, Thái Lan báo cáo 3.759 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 144.900 trường hợp, trong đó có 954 bệnh nhân tử vong.

Tại Indonesia, dự báo số ca mắc mới COVID-19 sẽ tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr và đạt đỉnh vào giữa tháng 6 tới. Số ca mắc COVID-19 đã tăng 38,08% trong tuần qua. Hiện Indonesia ghi nhận trên 50.100 trường hợp tử vong trong tổng số hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19.

Philippines trong 24 giờ qua đã ghi nhận 8.748 ca mắc mới. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu tháng 5 này, theo đó nâng tổng số ca mắc tại đây lên 1,2 triệu trường hợp. Số ca tử vong tại Philippines tăng thêm 187 trường hợp, lên 20.566 người .

Nhiều nước Đông Nam Á đứng trước nguy cơ khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 3.

Hiện trên 144.900 người tại Thái Lan đã nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo, nước này phát hiện thêm 599 ca mắc trong 24 giờ qua, trong đó có 574 trường hơp lây nhiễm cộng đồng và 25 người nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc tại Campuchia từ đầu mùa dịch đến nay lên 28.237 bệnh nhân. Thông báo cho biết, có 502 người khỏi bệnh và thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 tại Campuchia lên 196 trường hợp.

Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang ở mức báo động ở công nhân may mặc, chính quyền thủ đô Phnom Penh quyết định có biện pháp mạnh đối với các nhà máy không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại chỗ, vốn được coi là điều kiện cho phép các cơ sở này nối lại hoạt động.

Ba tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng để đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đây là khẳng định do Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đưa ra ngày 28/5 sau khi ông quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh,thành của nước này, trong đó có thủ đô Tokyo, cho đến ngày 20/6.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa Olympic Tokyo sẽ khai mạc. Phát biểu tại cuộc họp cùng ngày với nhóm chuyên gia cố vấn, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, nhấn mạnh, số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao và nhiều bệnh viện không đủ giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19, nhất là ở khu vực Kansai. Trong khi đó, số ca nguy kịch trên toàn quốc ở mức 1.400 ca, đặt toàn bộ hệ thống y tế vào tình trạng căng thẳng. Mặt khác, vào thời điểm hiện nay, cảnh giác cao độ là rất cần thiết khi có nhiều quan ngại về nguy cơ biến thể xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ có thể sẽ lan rộng hơn tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang đẩy nhanh hoạt động tiêm chủng cho người dân nước này và coi đây là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Bộ Y tế Nhật Bản đang xem xét việc phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Dự kiến, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 31/5 sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia.

Nếu được phê duyệt, sẽ có khoảng 4 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi ở xứ sở mặt trời mọc được tiêm vaccine của Pfizer. Trước đó, Mỹ và một số nước khác cũng đã cho phép sử dụng vaccine Pfizer cho thanh thiếu niên.

Bộ trưởng Hành chính và An toàn Hàn Quốc Jeon Hae-cheol trong cuộc họp ngày 28/5 cho biết, số ca nhiễm mới bình quân trong vòng một tuần qua ở nước này là 599 trường hợp/ngày, giảm so với tuần trước đó là 641 ca/ngày. Tuy nhiên, xu hướng lây nhiễm tập thể vẫn diễn ra ở những cơ sở giải trí, tất cả các địa phương đều ghi nhận nhiều vụ lây nhiễm tập thể quy mô nhỏ, nên khả năng dịch bệnh lây lan mạnh trở lại vẫn còn rất lớn.

Hàn Quốc đang đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 5 triệu người già từ 65 đến 74 tuổi. Họ có thể đăng ký tiêm chủng tại hơn 13.000 cơ sở y tế và phòng khám trên khắp cả nước. Ước tính, hơn 98% những người đã đặt lịch đều tham gia tiêm. Hầu như không xảy ra tình trạng dư vaccine do người đã đặt lịch nhưng vắng mặt. Hiện Hàn Quốc đã tiêm được cho gần 5 triệu người dân. Nước này đang hy vọng có thể đạt được mục tiêu tiêm cho 13 triệu dân vào cuối tháng 6 và đẩy sớm thời gian hình thành miễn dịch cộng đồng.

Tăng báo động số ca mắc mới, Malaysia đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Tăng báo động số ca mắc mới, Malaysia đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Israel đón du khách quốc tế sau một năm đóng cửa vì dịch bệnh Israel đón du khách quốc tế sau một năm đóng cửa vì dịch bệnh Biến thể B.1.617 xuất hiện tại ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ Biến thể B.1.617 xuất hiện tại ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước