Người dân đang được các nhân viên cứu hộ sơ tán sau khi sông Nysa Klodzka tràn bờ gây ngập lụt thị trấn Lewin Brzeski ở phía Tây Nam Ba Lan, ngày 17/9. (Ảnh: AFP)
Các khu vực biên giới giữa Cộng hòa Czech và Ba Lan nằm trong số những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất kể từ cuối tuần trước khi nước sông tràn bờ, tàn phá nhiều thị trấn, làm sập hoặc hư hỏng cầu cống và phá hủy nhà cửa.
Tại thị trấn Nysa, miền Nam Ba Lan, bờ kè quanh thị trấn đã được gia cố lại với sự hỗ trợ từ trực thăng quân sự cùng nhiều tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ.
Tại Slovakia và Hungary, mực nước sông Danube cũng đang dâng cao, thủ đô Budapest của Hungary đang chuẩn bị ứng phó mực nước sông lên gần mức kỷ lục.
Lũ lụt nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 18 người, trong đó có 7 người tại Romania, 4 người ở Ba Lan, 4 người ở Áo và 3 người ở cộng hòa Czech.
Người dân địa phương chất bao cát để bảo vệ bờ kè sông Nysa Klodzka khỏi lũ lụt ở Nysa, miền Nam Ba Lan (Ảnh: AFP/Getty Images)
Lời nhắc nhở về mối đe dọa của thời tiết khắc nghiệt
Biến đổi khí hậu đang gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tương tự giống như tình trạng lũ lụt ở 6 quốc gia châu Âu dẫn đến việc di tản hàng loạt khỏi các thành phố khi mực nước tiếp tục dâng cao.
"Những trận lũ lụt này là lời nhắc nhở rõ ràng về mối đe dọa ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan", ông Sissi Knispel de Acosta - Tổng thư ký của Liên minh nghiên cứu khí hậu châu Âu - cho biết.
Lượng mưa kỷ lục là một phần của hệ thống áp suất thấp di chuyển chậm đã gây ra lượng mưa gấp 5 lần so với mức trung bình của tháng 9.
Nhà khí hậu học tại Đại học Michigan - Richard Rood - cho rằng hệ thống thời tiết được thúc đẩy bởi luồng không khí Bắc Cực di chuyển từ phía Bắc, khiến nhiệt độ giảm mạnh trong vòng 24 giờ. Mặc dù không phải là chưa từng có tiền lệ khi luồng không khí từ Bắc Cực thổi vào châu Âu vào cuối mùa hè nhưng khả năng xảy ra hiện tượng như vậy trong tương lai sẽ cao hơn khi khí hậu thay đổi.
Trong tương lai, các trận mưa lớn dẫn đến lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn do khí thải nhà kính, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, tiếp tục tăng. Nhiệt độ cao hơn trên cả đất liền và biển đồng nghĩa với việc độ ẩm được giữ lại trong khí quyển nhiều hơn. Một hành tinh nóng hơn tạo ra nhiều năng lượng hơn có khả năng dẫn đến các cơn bão dữ dội hơn.
Theo Tiến sĩ Knispel de Acosta, để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc như vậy, người dân châu Âu phải đẩy nhanh quá trình thích ứng với lũ lụt. Những biện pháp ứng phó có thể bao gồm: cải thiện hệ thống quản lý nước mưa, quy hoạch đô thị tốt hơn, phát triển hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh như thay thế bề mặt bê tông bằng vật liệu thấm nước hoặc trồng thêm cây xanh...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!