Nhật Bản ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành xây dựng

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 21/08/2023 12:33 GMT+7

(Ảnh minh họa: Reuters)

VTV.vn - Ngành xây dựng Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Để ứng phó hiệu quả với tình trạng nhiều lao động ngành xây dựng rời bỏ công việc vì thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ xây dựng một hướng dẫn về chi phí lao động làm cơ sở để các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tính toán lương của người lao động làm việc ở từng bộ phận khác nhau.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ giao cho Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch xây dựng Hướng dẫn này, trong đó làm rõ các mức tiêu chuẩn tiền lương cho từng loại công việc trong ngành xây dựng, bao gồm lao động làm việc ngoài trời vất vả và nguy hiểm. Ngoài ra, Hướng dẫn cũng sẽ đề xuất các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng các nhà thầu tính lương thấp hơn so với mức tiêu chuẩn cũng như cách thức áp dụng số giờ làm thêm.

Ngành xây dựng Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng một phần do tình trạng già hóa dân số, một phần do không ít các doanh nghiệp cắt giảm chi phí bằng cách thuê nhân công giá rẻ và trả lương theo thỏa thuận. Thậm chí còn có nhà thầu vẫn nhận các đơn hàng trong tình trạng thua lỗ và sau đó cố gắng cắt giảm chi phí thuê nhân công cũng như rút ngắn thời gian thi công ngắn hơn nhiều so với quy định.

Theo thống kê của Bộ trên, tính đến năm 2022, có khoảng 4,79 triệu người làm việc trong ngành xây dựng, giảm 30% so với mức đỉnh năm 1997. Không chỉ người Nhật mà ngay cả thực tập sinh nước ngoài cũng không muốn lựa chọn làm việc trong ngành xây dựng khi cho rằng, cách tính lương hiện tại là không công bằng nếu "đánh đồng" với các ngành nghề khác ít vất vả và nguy hiểm hơn.

Giới chuyên gia dự báo, nếu việc siết chặt quy định về làm thêm giờ được thực hiện vào năm 2024, ngành xây dựng Nhật Bản sẽ đối diện với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng. Do đó, điều chỉnh tăng lương được xem là giải pháp quan trọng để thu hút và duy trì số lượng lao động trong lĩnh vực này.

Theo lộ trình, Hội đồng Công nghiệp xây dựng quốc gia thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản sẽ là đơn vị soạn thảo văn bản đầu tiên, có tính đến các đề xuất sửa đổi Luật Công nghiệp xây dựng trong kỳ họp Quốc hội thường niên vào đầu năm sau.

Trước đó, nghiên cứu của Viện Quản lý giá trị cũng chỉ ra rằng, Nhật Bản cần 6,74 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040, tức là gần gấp 4 lần so với năm 2020, để đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 1,24%. Sự thiếu hụt lao động do già hóa dân số và giảm sinh sẽ tác động tiêu cực đến quá trình vận hành cơ cấu kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương của Nhật Bản.

Theo số liệu được công bố, số ca sinh tại Nhật Bản đã xuống mức thấp kỷ lục. Năm 2022, cả nước Nhật Bản có 799.728 ca sinh. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, đây là lần đầu tiên số ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống 800.000/năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước