Các bồn chứa nước thải phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Ảnh: Euronews)
Kể từ thảm họa động đất sóng thần Tohoku vào ngày 11/3/2011, Nhật Bản đã ngừng hoạt động và khử nhiễm nhà máy điện hạt nhân Fukushima, dự kiến sẽ mất từ 30 đến 40 năm. Hiện nay, nhà máy phải khẩn trương rút cạn các bể chứa nước.
Ông Kimoto Takahiro, Phó Giám đốc Công trường tại Trung tâm Truyền thông D&D, Fukushima Daiichi D&D., Co., Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) giải thích: "Nước hàng ngày dùng để làm mát nhiên liệu phóng xạ nóng chảy dần được trữ lại. Và cũng có nước từ các suối ngầm hoặc nước mưa tích tụ lại".
Nước thải phóng xạ được xử lý trong ALPS, một thiết bị được thiết kế đặc biệt cho nhà máy Fukushima, có thể loại bỏ gần như tất cả các chất phóng xạ.
Sau khi được xử lý, nước thải được chứa trong hàng nghìn bể chứa. Tuy nhiên, các bồn chứa này đã đạt đến công suất tối đa. Năm 2023, Nhật Bản sẽ xả nước thải đã qua xử lý ra biển.
Tuy nhiên, một lượng nhỏ chất phóng xạ, được gọi là tritium, vẫn còn sót lại vì nó không thể tách khỏi nước.
90.000 mẫu nước đã qua xử lý được phân tích trong phòng thí nghiệm mỗi năm để chuẩn bị pha loãng ra biển. Sau lần xử lý thứ hai ở ALPS, nước sẽ được thải ra biển thông qua một đường hầm dài 1 km và được xây dựng ở độ sâu 16 mét. Đường hầm sẽ hoàn thành vào mùa xuân tới theo dự kiến.
Nước thải đã qua xử lý sẽ được xả ra biển qua đường hầm dài một km và sâu 16 mét, sẽ được hoàn thành vào mùa xuân 2023. (Ảnh: Euronews)
Ngay trước khi đến Thái Bình Dương, nước sẽ được pha loãng lần cuối trong các bể nước biển lớn. Để tìm hiểu xem sinh vật biển có bị ảnh hưởng bởi phóng xạ hay không, nhà máy điện hạt nhân đang nuôi cá trong các hồ riêng biệt.
Ông Kimoto Takahiro nói với hãng tin Euronews: "Có những lưu vực nước biển tự nhiên ở một bên và những lưu vực nước đã qua xử lý trộn với nước biển ở bên kia. Chúng tôi sẽ xả nước ở mức thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn nước uống do WHO đặt ra", ông nói thêm.
Tuy nhiên, ngư dân ở Fukushima đang lo lắng về danh tiếng sản phẩm của họ. Tại cảng Onahama, cách nhà máy điện 60 km, việc xả nước thải nhà máy ra biển đã khiến người tiêu dùng e ngại. Từ 25.000 tấn mỗi năm vào trước năm 2011, hiện chỉ có 5.000 tấn cá được đánh bắt.
"Là một ngư dân ở Fukushima, tôi phản đối việc thải chất phóng xạ ra môi trường làm việc của chúng tôi. Điều khiến chúng tôi lo lắng là tiếng xấu mà việc này tạo ra", ông Nozaki Tetsu, Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội hợp tác nghề cá tỉnh Fukushima cho biết.
Tuy nhiên, ông Nozaki nhận ra rằng "xét về những lời giải thích mà chúng tôi nhận được từ Chính phủ trong 10 năm qua, điều này là không sai. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của họ. Và do đó, nếu chúng ta cũng có thể cho rằng những lời giải thích khoa học của họ không sai, chúng ta sẽ nỗ lực tiếp tục đánh bắt cá, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết của người tiêu dùng tốt hơn. Và bằng cách làm này, tôi nghĩ chúng ta có thể hạn chế phần lớn tiếng xấu (gây thiệt hại)".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!