Nhà thờ Đức Bà Paris – Tiếng chuông nguyện ngủ yên mùa Giáng sinh

Nguyễn Mai (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ ba, ngày 24/12/2019 16:40 GMT+7

VTV.vn - Lần đầu tiên sau hai thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Paris không thể tổ chức Giáng sinh.

Đây có lẽ không chỉ là Giáng sinh duy nhất mà tiếng chuông ở nhà thờ không được vang lên bởi quá trình tu sửa nhà thờ không được suôn sẻ như dự định.

Nhà thờ Đức Bà Paris – Tiếng chuông nguyện ngủ yên mùa Giáng sinh - Ảnh 1.

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy, 15 tháng 4 năm 2019.

Lịch sử của "Trái tim Paris"

Nhà thờ Đức Bà yêu dấu của Paris là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của thủ đô Pháp kể từ khi nó được xây dựng cách đây 850 năm. Notre-Dame, dịch theo tiếng Anh là "Đức Mẹ", được coi là công trình biểu trưng cho Kinh đô ánh sáng. Nếu có đối thủ nào, thì đó hẳn là tháp Eiffel, công trình được xây dựng sau đó hơn một thế kỷ. Nhà thờ Notre-Dame sừng sững ở Paris kể từ những năm 1200, và cũng luôn khắc sâu trong trái tim người dân Pháp và du khách quốc tế cho đến nay.

Nhà thờ Đức Bà Paris – Tiếng chuông nguyện ngủ yên mùa Giáng sinh - Ảnh 2.

Một phiên bản sách Thằng gù Nhà thờ Đức Bà

Tên nhà thờ này sau này cũng là tựa của một trong những kiệt tác văn học của nước Pháp. Cuốn tiểu thuyết Hunchback of Notre-Dame, với tựa Việt được dịch là "Thằng Gù ở Nhà Thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo.

Lần gần nhất, tòa giáo đường bị thiệt hại lớn là trong cuộc Cách mạng Pháp khi các bức tượng thánh bị những người chống Giáo hội phá hủy. Tòa nhà tồn tại sau cuộc nổi dậy của Công xã Paris năm 1871, cũng như hai cuộc Thế chiến mà không bị ảnh hưởng gì.

Không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Tây Âu, tám thế kỷ sau khi hoàn thành, nhà thờ Notre-Dame vẫn là nơi thờ phụng với khoảng 2.000 buổi lễ được tổ chức mỗi năm. Dù nhà thờ không phải là địa điểm cư dân địa phương hay lui tới, nhưng với người dân Paris nơi đây có ý nghĩa nhiều hơn một cơ sở tôn giáo. Thế nên nhiều người đã bị sốc khi chứng kiến ​​một công trình lâu đời như vậy của nước Pháp bị "bà hỏa" thiêu rụi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng để tiếng chuông nhà thờ lại được rung lên thì phải mất đến nửa thập kỷ để trùng tu. Nhưng đó là dự định ban đầu thôi, còn thực tế, "trái tim Paris" sẽ có nhiều thời gian "nghỉ phép" hơn khi mà ý tưởng sửa chữa nhà thờ như thế nào vẫn chưa được thống nhất.

Tranh cãi về phong cách trùng tu Nhà thờ

Nhà thờ Đức Bà Paris – Tiếng chuông nguyện ngủ yên mùa Giáng sinh - Ảnh 3.

Phần tháp nhọn của nhà thờ hoàn toàn bị thiêu rụi trong ngọn lửa.

Jean-Louis Georgelin, đặc phái viên của Tổng thống Pháp và kỹ sư trưởng Philippe Villeneuve chịu trách nhiệm thi công việc trùng tu nhà thờ đã có nhiều cuộc cãi vã nảy lửa, rằng xem nên tái xây dựng lại nhà thờ theo phong cách cổ điển xưa kia, hay làm cho nó trông hiện đại hơn.

Đỉnh điểm là vào một ngày giữa tháng 11, ông Jean-Louis Georgelin không giấu được cảm xúc của mình khi trả lời các phóng viên của Đài BBC: "Tôi đã yêu cầu ông Villeneuve nhiều lần rồi, rằng ông ta ‘hãy im miệng’ để chúng tôi có thể sáng suốt đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho Nhà thờ Đức Bà".

Kiến trúc sư trưởng Villeneuve cho rằng phần tháp nhọn của Nhà thờ Đức Bà Paris nên được xây lại y hệt như trước khi bị ngọn lửa thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn. Bản thân Thủ tướng Edouard Philippe bày tỏ sự hứng thú với một thiết kế mới, trong khi Thị trưởng Paris Anne Hidalgo lại ủng hộ việc phục dựng tháp nhọn như cũ. "Chín người, mười ý", các quan chức Pháp đến nay cũng chưa thống nhất được khung thời gian thực hiện dự án tái thiết này, cũng như phong cách trùng tu lại nhà thờ.

Mốc thời gian 5 năm để Nhà thờ Đức Bà được "hồi sinh từ tro tàn" có vẻ không khả thi. Bởi cho dù đạt được sự nhất trí về phương án, thì theo chuyên gia phục dựng Frederic Letoffe, quá trình phục dựng nhà thờ có thể mất nhiều thời gian hơn, khoảng 10 đến 15 năm. Ví dụ rất nhỏ thôi, rằng thế giới không có những cây cổ thụ đủ lớn để làm cột chống. Huống hồ, sẽ cần đến hàng trăm cây như vậy. Và cũng có hàng chục lý do khác còn lớn hơn nhiều, khiến nhà thờ chưa thể được "chữa lành vết thương":

Đó là TIỀN!

Vấn đề đầu tiên vẫn là "tiền đâu"?

Nhà thờ Đức Bà Paris – Tiếng chuông nguyện ngủ yên mùa Giáng sinh - Ảnh 4.

Phần bên trong phòng nguyện chính của nhà thờ bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Mặc dù các nhà hảo tâm hứa hẹn sẽ viện trợ tiền cho quá trình tu sửa, nhưng tiền vẫn chưa thấy chuyển về.

Gia đình hào phú Pinault cam kết góp 100 triệu euro, các gia đình Arnault và Bettencourt cam kết góp 400 triệu euro, tập đoàn Total hứa góp 100 triệu euro, và một vài quỹ từ thiện khác. Tổng số tiền quyên góp lên đến khoảng 850 triệu euro. Bạn có tưởng tượng được không, 850 triệu euro là một số tiền vô cùng lớn, lên tới 9 chữ số! Nhưng số tiền đó, hiện tại, vẫn nằm yên trên các trang báo mà thôi!

Nhiều tuần trôi qua, rồi nhiều tháng và Notre Dame vẫn chưa nhận được gì từ các tỷ phú. Những lời hứa giữa tháng Tư dường như đã bị lãng quên, hoặc là bị những cơn mưa mùa hạ cuốn trôi, cùng với những trang lịch đã được giở sang tháng sáu. Số tiền khiêm tốn cuối cùng cũng được gửi đến, nhưng là từ các cá nhân nghèo hơn, từ những người yêu Nhà thờ ở khắp nơi trên thế giới – những người, có lẽ chưa từng tưởng tượng 850 triệu euro thì sẽ cần đến bao nhiêu vali để đựng.

"Những ông lớn chưa chuyển tiền, chưa chuyển dù chỉ một xu" - đây là lời của Andre Finot – phát ngôn viên của Nhà thờ Đức Bà nói với giới báo chí. Trước búa rìu dư luận như vậy, những nhà tài phiệt cho rằng họ chỉ chưa chuyển tiền, và chỉ muốn biết chính xác số tiền của họ sẽ được sử dụng cho mục đích gì, liệu rằng họ có đồng ý với kế hoạch giải ngân đó trước khi giao nó cho nhà thầu sửa chữa hay không mà thôi. Đúng là, khi người ta muốn, người ta sẽ có cách; còn khi không muốn, người ta sẽ tìm lý do!

Tờ France24 bình luận rằng trong "cuộc đua" của các tài phiệt, họ chỉ muốn đánh bóng tên tuổi của mình hơn nữa, nhờ vào những lời hứa hẹn hào phóng về việc tài trợ cho nhà thờ. Vậy mà động tác ký séc – chuyển tiền của họ lại tỷ lệ nghịch với tốc độ phát ngôn.

Và trong khi các nhà tài trợ "thiên thần" vẫn đang "trì hoãn" trong việc chuyển tiền, thì những công nhân tu sửa nhà thờ phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn là khử độc chì. Ước tính có khoảng 300 tấn chì thuộc khu vực mái nhà thờ bị tan chảy hoặc bị bay hơi vào bầu không khí.

"Sing the bells of Notre-Dame

Who is the monster and who is the man?"

Hỡi tiếng chuông của Nhà thờ Đức Bà

Hãy nói tôi nghe ai là quái vật, ai mới là trượng phu.

Lửa – chính là quái vật rồi. Ngọn lửa hung hãn dù có thiêu rụi cả tòa tháp, làm vỡ những khung cửa sổ hoa hồng, nhưng lửa không thể nào đốt cháy được tình yêu của mọi người dành cho Trái tim Paris. Rồi một ngày, tiếng chuông của Notre Dame sẽ lại rung lên, trong trẻo như tình yêu của Quasimodo dành cho Esmeralda.

Tiếng chuông – giờ đang ngủ yên, chờ một mùa Giáng sinh khác.

Nguồn: BBC, France24, The Guardian, AP, AFP.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước