Yếu tố giúp số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản giảm mạnh nằm ở chính thói quen đeo khẩu trang của người dân (Nguồn: Reuters)
Từng đứng trước áp lực lớn khi phải trải qua 5 làn sóng bùng phát dịch COVID-19, song trong vài tuần trở lại đây, Nhật Bản lại ghi nhận số ca nhiễm mới giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 1 năm. Điều này khiến nhiều chuyên gia lạc quan, rằng có lẽ điều tồi tệ nhất mang tên virus SARS-CoV-2 đã không còn là mối lo ngại quá lớn đối với nền kinh tế châu Á này.
Chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả
Hôm 11/10, Tokyo chỉ ghi nhận 49 trường hợp mắc COVID-19 mới – con số thấp nhất kể từ cuối tháng 6 năm ngoái, khi nước này hứng chịu làn sóng siêu lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, Nhật Bản cũng không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào do COVID-19 kể từ ngày 7/11.
Hôm 11/10, Tokyo chỉ ghi nhận 49 trường hợp mắc COVID-19 mới – con số thấp nhất kể từ cuối tháng 6 năm ngoái (Nguồn: Reuters)
Thực tế này khiến nhiều chuyên gia y tế bất ngờ, bởi mới hồi tháng 8, sau khi Thế vận hội Tokyo 2020 bế mạc, Nhật Bản đã chịu tổn thương sâu sắc vì làn sóng bùng phát dịch mới. Vào ngày 13/8, thành phố chủ nhà ghi nhận kỷ lục 5.773 ca mắc COVID-19 mới, trong khi tính trên toàn quốc, số ca mắc mới đã vượt mức 25.000 ca.
Tờ Japan Times dẫn lời một số chuyên gia cho thấy, sự thay đổi bất ngờ của Nhật Bản đến từ tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Hiện nước này đã tiêm đầy đủ cho hơn 75% dân số trên tổng số gần 126 triệu dân. Thủ tướng Fumio Kishida mới đây cũng khẳng định chính phủ sẽ triển khai mũi vaccine nhắc lại vào tháng 12, bắt đầu từ nhân viên y tế và người cao tuổi.
Dù triển khai chậm hơn so với các quốc gia trong nhóm G7, song với sự tiến bộ của chương trình tiêm chủng, Nhật Bản đã vượt Canada trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ cao nhất. Theo Giáo sư Kentaro Iwata thuộc Đại học Kobe, "Chương trình tiêm vaccine COVID-19 này đã thành công tốt đẹp. Tôi chưa từng thấy chiến dịch nào thực tế đến vậy trong lịch sử tiêm chủng quốc gia".
Nhật Bản đã vượt Canada trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ cao nhất trong nhóm G7 (Nguồn: Reuters)
Theo tờ The Guadian, một trong những yếu tố giúp Nhật Bản thành công trong chương trình tiêm chủng là chiến dịch truyền thông thay đổi quan điểm của người dân với vaccine. Trước đó, chỉ chưa đến 30% người Nhật tin rằng vaccine COVID-19 là an toàn. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những thông tin tiêu cực về vaccine sởi, quai bị và rubella từ những năm 1990 và gần đây nhất là vaccine HPV.
Thói quen đeo khẩu trang ăn sâu vào tiềm thức
Dĩ nhiên, vaccine không phải yếu tố duy nhất giúp Nhật Bản vượt qua khủng hoảng. Theo Mike Toole, chuyên gia viện nghiên cứu y tế Burnet Institute, "không thể giải thích thành công của Nhật Bản chỉ nhờ tiêm vaccine". Bởi với khoảng 25% dân số chưa được tiêm, khả năng lây lan của virus vẫn tương đối lớn.
Hiện Nhật Bản đã tiêm đầy đủ cho hơn 75% dân số trên tổng số gần 126 triệu dân (Nguồn: Reuters)
Một yếu tố khác giúp số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản giảm mạnh nằm ở chính thói quen đeo khẩu trang của người dân. Trong khi nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, hầu hết người Nhật vẫn "rùng mình" khi nghĩ đến việc mạo hiểm không che chắn kín mặt.
Hành động dần trở thành thói quen và ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước Nhật sau nhiều đợt giãn cách phòng, chống dịch. Thậm chí, giới chức nước này còn đeo khẩu trang cho một bức tượng Bồ tát cao 57 mét tại đền Houkokuji Aizu Betsuin, tỉnh Fukushima để cầu mong đại dịch COVID-19 sớm kết thúc. Chiếc khẩu trang khổng lồ được thiết kế bằng vải lưới màu hồng, rộng 4,1 mét, dài 5,3 mét, nặng 35 kg và được đặt khéo léo che hết phần miệng và mũi của bức tượng.
Yếu tố giúp số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản giảm mạnh nằm ở chính thói quen đeo khẩu trang của người dân (Nguồn: Reuters)
Mới đây, tạp chí British Medical cũng đăng tải kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại các trường đại học nhằm đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp y tế công cộng tại châu Á, châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Australia. Qua phân tích, nhóm chuyên gia nhận thấy rằng tỷ lệ mắc COVID-19 giảm 53% ở những người đeo khẩu trang. Điều này cho thấy rõ hơn bao giờ hết động lực giúp nước Nhật làm nên kỳ tích trong nỗ lực kiềm chế số ca mắc mới. Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết mát mẻ cùng hệ thống xét nghiệm hiệu quả cũng phát huy tốt tác dụng.
Cơ chế "tự diệt" của virus SARS-CoV-2
Trước đó, ông Kenji Shibuya, cựu Giám đốc Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học King’s College London cho rằng, tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực tại Nhật Bản có thể nhờ "một số đặc điểm của virus SARS-CoV-2". Nhận định này mới đây được nhắc đến một lần nữa trên tờ Japan Times, rằng chính những thay đổi về gen của virus SARS-CoV-2 đã giúp Nhật Bản "hạ nhiệt" thành công các điểm bùng phát dịch "nóng".
Những thay đổi về gen của virus SARS-CoV-2 đã giúp Nhật Bản "hạ nhiệt" thành công các điểm bùng phát dịch "nóng" (Nguồn: Reuters)
Theo giả thuyết của ông Ituro Inoue, giáo sư Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, biến chủng Delta tại nước này đã có quá nhiều đột biến đối với protein phi cấu trúc có tên nsp14 (một loại protein có chức năng sửa lỗi gen di truyền). Hệ quả là virus dần mất chức năng tự sửa lỗi gen và hình thành cơ chế "tự diệt".
Các nghiên cứu cũng cho thấy, so với khu vực châu Âu và châu Phi, ngày càng nhiều người dân châu Á sở hữu một loại enzyme phòng vệ mang tên APOBEC3A có khả năng chống lại các virus RNA, trong đó có virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata đã bắt đầu nghiên cứu về cách APOBEC3A tác động lên nsp14 cũng như khả năng ức chế virus SARS-CoV-2 của loại enzyme này.
Nhóm đã tiến hành phân tích dữ liệu di truyền của biến thể Alpha và Delta từ các mẫu bệnh phẩm trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 tại Nhật Bản. Ban đầu, họ cho rằng biến chủng Delta, với khả năng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ở những người chưa được tiêm chủng, sẽ đa dạng gen di truyền hơn nhiều so với những biến chủng thông thường. Thế nhưng, kết quả thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Ngày càng nhiều người dân châu Á sở hữu một loại enzyme phòng vệ mang tên APOBEC3A có khả năng chống lại các virus RNA, trong đó có virus SARS-CoV-2 (Nguồn: The World Economic Forum)
Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra nsp14, họ phát hiện ra rằng phần lớn các mẫu nsp14 ở Nhật Bản đã trải qua nhiều lần đột biến gen tại các vị trí có tên là A394V. "Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước những phát hiện này", giáo sư Inoue chia sẻ. "Biến chủng Delta ở Nhật rất dễ lây lan, với tốc độ nhanh hơn hẳn so với các các biến chủng khác. Nhưng khi các đột biến gen xảy ra liên tiếp, virus sẽ không thể tự sao chép và dần hình thành cơ chế tự diệt".
Giả thuyết của giáo sư Inoue đã một phần lý giải cho sự suy yếu của virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản. Trong khi đó, một số quốc gia châu Á có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Hàn Quốc lại đang phải hứng chịu những làn sóng lây nhiễm. Châu Âu cũng đang liên tiếp ghi nhận số liệu kỷ lục về số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày do COVID-19. Bên cạnh yếu tố mùa đông là thời điểm virus dễ lây lan, tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều tại châu Âu được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các điểm bùng phát dịch mới.
Nhiều người tin rằng, một cuộc sống "bình thường" đang quay trở lại với xứ sở hoa anh đào sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ một số hạn chế vào ngày 19/11 (Nguồn: Reuters)
Hiện tại, tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản đang dần trở nên lạc quan hơn. Nhiều người tin rằng, một cuộc sống "bình thường" đang quay trở lại với xứ sở hoa anh đào sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ giới hạn về số lượng người được phép tham gia các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn hôm 19/11 vừa qua. Một số biện pháp hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng được nới lỏng.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Daishiro Yamagiwa, người phụ trách công tác ứng phó dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người dân để Nhật Bản có thể tiếp tục cuộc sống thường ngày một cách an toàn".
Thế nhưng, theo ông Shigeru Omi, cố vấn y tế chính của chính phủ Nhật Bản, "tình trạng khẩn cấp kết thúc không có nghĩa là chúng ta được tự do 100%". Ông cho rằng "giới chức nên gửi thông điệp rõ ràng đến người dân, rằng chúng ta chỉ có thể nới lỏng hạn chế một cách từ từ". Bên cạnh đó, nhiều cảnh báo về khả năng số ca nhiễm mới gia tăng trở lại vẫn được các chuyên gia y tế đưa ra khi thời tiết dần trở nên lạnh hơn, còn người dân thì thoải mái tụ tập tại các quán bar, nhà hàng để tận hưởng mùa tiệc tùng cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!