Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Cũng theo nghiên cứu trên, nguy cơ bị đái tháo đường ở trẻ từng nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng cao hơn so với các em từng mắc các bệnh viêm hô hấp khác do virus gây ra.
Thông báo của CDC Mỹ nêu rõ: "Nhiễm virus SARS-CoV-2 làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tiểu đường, và những người bị tiểu đường cũng có nguy cơ cao gặp triệu chứng nặng khi mắc COVID-19".
Bệnh nhân COVID-19 dưới 18 tuổi có nhiều nguy cơ được chẩn đoán mắc tiểu đường trong hơn 30 ngày kể từ khi nhiễm virus SARS-CoV-2 so với những người không mắc COVID-19, hoặc người từng mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác.
CDC cho biết, kết quả nghiên cứu mới phù hợp với nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa nhiễm virus SARS-CoV-2 và bệnh tiểu đường ở người trưởng thành.
Bệnh nhân COVID-19 dưới 18 tuổi có nhiều nguy cơ được chẩn đoán mắc tiểu đường. (Ảnh: AP)
Theo giải thích của CDC, COVID-19 có thể gây ra bệnh tiểu đường thông qua tấn công trực tiếp vào các tế bào tuyến tụy, bão cytokine gây căng thẳng làm tăng đường huyết, các thay đổi trong chuyển hóa glucose do nhiễm trùng, hoặc thông qua tích tụ những rối loạn tiền tiểu đường.
Có nhiều ca tiểu đường mới từng có dấu hiệu tiền tiểu đường, vốn là hiện tượng xảy ra ở 20% số bệnh nhân tiểu đường là người trưởng thành tại Mỹ. Việc dùng thuốc kháng viêm steroid trong điều trị bệnh nhân nội trú cũng có thể dẫn đến tăng đường huyết trong ngắn hạn, nhưng chỉ có khoảng 1,5 - 2,2% mã tiểu đường có liên quan đến thuốc hoặc hóa chất, chủ yếu là các trường hợp tiểu đường tuýp 1 hoặc 2.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, bác sỹ nhi khoa nên giám sát dấu hiệu tiểu đường ở trẻ mắc COVID-19. CDC nhấn mạnh cần sàng lọc dấu hiệu tiểu đường ở người dưới 18 tuổi từng nhiễm virus SARS-CoV-2.
Những dấu hiệu này có thể bao gồm thường xuyên tiểu tiện, khát nước, nhanh đói, sụt cân, mệt mỏi, đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn mửa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!