Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, Eurozone sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ít ỏi là 0,3% trong năm 2023, đồng nghĩa với việc khối này sẽ có thời điểm trong năm rơi vào suy thoái.
Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của S&P Global - một trong những thước đo tốt nhất về sức khỏe kinh tế khu vực - đã giảm xuống 48,2 điểm trong tháng 9 từ mức 48,9 điểm của tháng 8. Chỉ số PMI giảm 3 lần liên tiếp cho thấy hoạt động kinh doanh ở khu vực Eurozone đã sụt giảm trong suốt 1 quý. Điều này củng cố quan điểm của nhiều chuyên gia, rằng suy thoái đã có thể bắt đầu.
Hóa đơn điện tăng cao khiến nhiều nhà máy tại châu Âu phải đóng cửa. Lạm phát cao chưa từng có làm giảm sức mua của người dân khi lượng tiền mặt dự phòng được sử dụng hết vào xăng dầu, khí đốt và lương thực. Từ tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde đã cảnh báo nguy cơ eurozone rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu nói: "Về cơ bản chúng tôi không dự báo tăng trưởng âm trong năm 2023, nhưng trong kịch bản xấu hơn thì có. Kịch bản đó khác với tình hình hiện tại ở chỗ bao gồm việc Nga đóng toàn bộ nguồn cung khí đốt".
Hồi tuần trước, ngân hàng Deutsche Bank nhận định, suy đoán về một cuộc suy thoái nhẹ ở châu Âu đã không còn phù hợp, khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng hơn từ tháng 7. Deutsche Bank dự báo về một cuộc suy thoái dài hơn và sâu rộng hơn với cả khu vực.
Viễn cảnh ảm đạm cho nhu cầu dệt may toàn cầu
Không chỉ châu Âu, mà ngay cả nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ - cũng được OECD dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023. Kinh tế khó khăn tại các thị trường lớn đang có tác động rõ rệt đến các quốc gia ở các khu vực khác.
Ấn Độ và Bangladesh, hai trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, mới đây đều bày tỏ lo ngại về một viễn cảnh ảm đạm cho nhu cầu dệt may toàn cầu trong năm nay. Đặc biệt là khi hai thị trường Mỹ và châu Âu đều đang cho thấy sức mua các sản phẩm thời trang sụt giảm đáng kể do giá cả tăng cao.
Mỹ và Liên minh châu Âu là hai thị trường nhập khẩu dệt may hàng đầu thế giới, nhưng nay hai trung tâm tiêu thụ dệt may hàng đầu thế giới ấy đang cho thấy một nhu cầu ngày càng cạn kiệt. Đây là cảnh báo được Thời báo kinh tế Ấn Độ đưa ra.
Xuất khẩu một số sản phẩm từ dệt may của Ấn Độ, theo các số liệu mới nhất đang giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà xuất khẩu cho biết, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài đã tàn phá nhu cầu từ châu Âu, trong khi giá năng lượng cao kỷ lục cũng khiến người tiêu dùng Mỹ chùn tay. Một số cơ sở dệt may tại Ấn Độ, trước cho công nhân sản xuất 2-3 ca thì này phải rút xuống chỉ còn 1 ca do không đủ nhu cầu từ thị trường.
Tình hình của các nhà xuất khẩu dệt may tại Bangladesh cũng không khá hơn gì. Báo Bưu điện Kinh doanh Bangladesh cho biết, xuất khẩu dệt may đến đầu tháng 8 năm nay vẫn tích cực, vậy nhưng trong 2 tháng vừa qua, các đơn đặt hàng từ các thị trường châu Âu hay Mỹ đã sụt giảm rõ rệt. Các nhà bán lẻ phương Tây cho biết, hàng tồn kho của họ còn khá nhiều do sức mua giảm sút.
Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh thì kêu gọi các doanh nghiệp tới đây phải gấp rút đa dạng hóa thị trường xuất khẩu dệt may của mình, trong đó vùng Vịnh có thể nổi lên như một thị trường nhiều tiềm năng.
Cùng với Trung Quốc, Eurozone và Mỹ, chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế toàn cầu. Nếu tăng trưởng của các nền kinh tế này giảm tốc, rất khó để các quốc gia khác tránh được tác động tiêu cực, nhất là các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế toàn cầu hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm nhất sau giai đoạn phục hồi hậu suy thoái kể từ năm 1970.
Và một đề xuất của WB, để tránh khỏi khả năng suy thoái, các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển trọng tâm từ giảm giá tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất, bao gồm nỗ lực đầu tư và tăng năng suất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!