Hình thức tấn công chưa có tiền lệ
Liên tiếp các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah đã xảy ra trong vài ngày qua, gây thương vong cho hàng nghìn người.
Cũng giống như nhiều người khác, ông Mustafa Jemaa - chủ cửa hàng thiết bị điện tử, thành phố Sidon, Lebanon - vô cùng ngạc nhiên: "Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Chúng tôi không lường trước được. Chúng tôi chẳng biết có nơi nào đã từng xảy ra những vụ tấn công tương tự chưa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến những vụ việc như thế này".
Điều đáng chú ý là các vụ nổ nhắm vào các bị liên lạc của tổ chức Hezbollah. Điều này cho thấy đây có thể là một cuộc tấn công có chủ đích, sử dụng công nghệ cao để vô hiệu hóa hệ thống thông tin của đối phương.
Máy nhắn tin phát nổ gây ra một vụ hỏa hoạn ngay trên đường phố của thủ đô Beirut, Lebanon (Ảnh: Daily Mail)
Bà Hanin Ghaddar - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông - cho rằng: "Một trong những kịch bản cho thấy đây mới chỉ là sự khởi đầu, nhằm gián đoạn mạng lưới liên lạc của Hezbollah. Nó cảnh báo về nguy cơ một chiến dịch quân sự lớn hơn nhiều tại Lebanon, mà ở đó Hezbollah sẽ chẳng thể liên lạc với nhau".
Phản ứng trước sự việc, Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau các vụ tấn công, trong khi Tel Aviv vẫn giữ im lặng. Chính phủ Lebanon đã yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về vụ việc, coi đây là hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Các chuyên gia an ninh quốc tế cho rằng đây có thể là một ví dụ điển hình của chiến tranh điện tử hiện đại. Họ đưa ra giả thuyết rằng một lực lượng đối địch đã sử dụng các phương tiện tấn công mạng tiên tiến để xâm nhập và kích hoạt nổ từ xa các thiết bị liên lạc của Hezbollah.
Sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng bảo mật thông tin của các tổ chức quân sự và bán quân sự trong khu vực. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ trong các cuộc xung đột hiện đại.
Nhiều quốc gia và tổ chức đã bày tỏ quan ngại về việc sử dụng vũ khí công nghệ cao trong các cuộc xung đột, và kêu gọi các bên kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng trong khu vực.
Những tác động đến tình hình an ninh Trung Đông
Cơ quan hàng không dân dụng Lebanon đã quyết định cấm mang các máy nhắn tin và bộ đàm lên máy bay. Những diễn biến đang khiến cho khu vực Trung Đông nhìn nhận làn sóng các vụ nổ tại Lebanon vừa qua không còn là vấn đề của riêng Hezbollah hay Lebanon.
Trong các vụ nổ vài ngày qua, không chỉ có máy nhắn tin hay bộ đàm bị gài chất nổ, mà laptop, radio và một số thiết bị điện tử khác cũng đã bị biến thành các vật liệu phát nổ.
Chưa từng có tiền lệ xảy ra một vụ nổ hàng loạt thiết bị liên lạc trong cùng một thời điểm.
Điều này đặt ra nghi vấn liệu hệ thống an ninh sân bay có đủ khả năng để ngăn chặn được hết nguy cơ mang các thiết bị điện tử có thể bị gài chất nổ lên máy bay hay không, và nếu cần tăng cường các biện pháp an ninh thì sẽ phải triển khai như thế nào.
Đây sẽ là những câu hỏi cần giới chức an ninh các nước tiến hành các đánh giá kỹ lưỡng. Ngoài ra, người ta cũng lo ngại, liệu phương thức tấn công qua các thiết bị điện tử như vừa qua liệu chỉ giới hạn trong phạm vi Lebanon hay sẽ mở ra một trào lưu tấn công bạo lực rất khó kiểm soát tại Trung Đông?
Nếu những ngày tới đây, những vụ nổ như vậy còn xảy ra tại một số nước khác thì sẽ khó tránh khỏi tạo ra một bầu không khí u ám tại Trung Đông.
Khả năng chạy đua vũ trang công nghệ cao
Chạy đua vũ trang công nghệ để phục vụ các cuộc chiến tranh vốn không còn mới mẻ. Nhưng những gì đang diễn ra tại Trung Đông có thể kích thích xu hướng này.
Ở khu vực này, từ trước đến nay, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần nói tới vai trò của lực lượng chiến mạng bí mật của Israel có tên gọi 8200. Đây là lực lượng được cho là đã phát huy vai trò rất lớn trong việc tìm và diệt các mục tiêu được quân đội Israel đưa vào tầm ngắm, điển hình như các vụ tiêu diệt thủ lĩnh lực lượng Hamas hay Hezbollah vừa qua.
Ngày 14/9, Iran tuyên bố phóng vệ tinh thành công bằng tên lửa “made in Tehran”. (Ảnh: AP)
Xét tới sự nghi kỵ và đối đầu đã tồn tại suốt nhiều năm qua tại Trung Đông, không khó để hình dung các quốc gia khác cũng sẽ không chịu ngồi yên trong cuộc chạy đua chiến tranh công nghệ cao này. Chẳng hạn như Iran, những máy bay không người lái có khả năng tấn công với độ chính xác rất cao cũng đã nhiều lần được dư luận Trung Đông nhắc tới. Hay các quốc gia Vùng Vịnh, với nguồn tài chính dồi dào, được cho cũng đã không ngừng tăng cường các công nghệ do thám, khả năng chiến tranh mạng trong những năm gần đây...
Vụ nổ hàng loạt thiết bị liên lạc của Hezbollah tại Lebanon không chỉ gây chú ý bởi tính chất công nghệ cao của nó mà còn làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.
Dù thủ phạm vẫn chưa được xác định nhưng rõ ràng đây là một bước ngoặt trong cách thức tiến hành xung đột tại Trung Đông. Sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của chiến tranh công nghệ cao và an ninh mạng, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!