Đại dịch COVID-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. (Ảnh: AP)
Dịch COVID-19 đã cướp đi hơn 500.000 sinh mạng trên toàn thế giới và số trường hợp tử vong vì đại dịch này vẫn tiếp tục gia tăng. Một báo cáo mới đây của Oxfam cho rằng, số người chết do nạn đói vì đại dịch ngày càng tồi tệ hơn, có thể sẽ cao hơn mức tử vong do nhiễm dịch bệnh.
Oxfam cảnh báo, có thể có tới 12.000 người chết vì đói mỗi ngày liên quan đến COVID-19 vào cuối năm nay. Trong khi đó, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, ngày 17/4, đã có tới gần 9.000 trường hợp tử vong do COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong vì đại dịch cao nhất được ghi nhận tới nay.
Ông Chema Vera, Giám đốc điều hành tạm thời của Oxfam, chia sẻ: "COVID-19 là điều tồi tệ mới nhất đối với hàng triệu người đang phải vật lộn với tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng cũng như hệ thống thực phẩm bị phá hủy, khiến hàng triệu doanh nghiệp và công nhân bị ảnh hưởng".
Người dân chờ nhận hỗ trợ thực phẩm ở tỉnh Gauteng, Nam Phi. (Ảnh: Sky News)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng người dân không có lương thực thực phẩm như mất thu nhập do bị thất nghiệp hoặc giảm thu nhập, thiếu sự hỗ trợ xã hội, hệ thống phân phối lương thực thiếu hiệu quả và gián đoạn sản xuất. Những hạn chế đi lại liên quan đến lệnh đóng cửa không chỉ gây ảnh hưởng đáng kể đối với các công nhân và nông dân mà còn ảnh hưởng tới những hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo.
Những thách thức mới này kết hợp các vấn đề tồn tại từ lâu nay gồm chiến tranh, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng gia tăng đã làm cho nạn đói trên toàn cầu thêm tồi tệ, khiến các đối tượng dễ bị tổn thương càng khốn khó hơn.
Oxfam cho biết, tại 10 điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới về nạn đói, khủng hoảng lương thực vốn tồi tệ lại càng trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch, gồm: Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, khu vực Tây Phi, Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Syria và Haiti. Bên cạnh đó, các điểm nóng mới về nạn đói như Ấn Độ, Nam Phi hay Brazil đã xuất hiện. Đây là những quốc gia có thu nhập trung bình và đang tiếp tục bị lún sâu hơn vào đại dịch COVID-19.
Oxfam kêu gọi các chính phủ cùng chung tay hợp tác với Liên Hợp Quốc trong sáng kiến phân phối lương thực sau dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!