Vào ngày 14/7, Tổng thống Rajapaksa đã gửi đơn từ chức qua thư điện tử sau khi lên chuyến bay rời khỏi Sri Lanka đến Singapore. Việc tổng thống từ chức được coi là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng đã diễn ra trong nhiều tháng qua tại Sri Lanka, nơi tình trạng mất điện kéo dài và lạm phát cao kỷ lục đang khiến người dân khốn đốn.
Tại Sri Lanka, việc Tổng thống từ chức có nguyên nhân do sức ép từ các cuộc biểu tình của người dân vì khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Theo giới quan sát, sự quản lý yếu kém của chính quyền đã làm suy yếu nền tài chính của đất nước, trong khi chi tiêu công vượt quá thu nhập, còn sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước không thể đáp ứng nhu cầu.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng sau khi chính quyền cho cắt giảm thuế mạnh tay. Đúng lúc này, đại dịch COVID-19 bùng phát. Dịch bệnh đã xóa sổ các nguồn thu chính của Sri Lanka, nhất là từ ngành du lịch.
Ngày 31/3, trước tình thế khủng hoảng ngoại hối khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu dầu, nước này đã thông báo cắt điện trên toàn quốc với thời gian 13 tiếng mỗi ngày - Ảnh: The Hindu
Kể từ năm 2020, xếp hạng tín nhiệm của quốc đảo này liên tục bị hạ xuống do không trả được nợ nước ngoài. Cuối cùng, Sri Lanka bị loại bỏ khỏi thị trường tài chính quốc tế khiến nước này phải phụ thuộc vào dự trữ ngoại hối. Trong vòng chỉ 2 năm, lượng dự trữ ngoại hối của Sri Lanka lao dốc tới 70%. Đây là lý do khiến Sri Lanka không thể chi trả cho các hàng hóa nhập khẩu như thực phẩm và nhiên liệu.
Cuộc khủng hoảng đã làm tê liệt đất nước. Tình trạng thiếu nhiên liệu khiến người dân phải xếp hàng dài để mua xăng và chịu cảnh mất điện thường xuyên. Các bệnh viện thậm chí còn không đủ thuốc dùng. Vào tháng 5, Sri Lanka đã chính thức vỡ nợ sau khi không thể trả lãi 78 triệu USD trái phiếu khi hết thời gian ân hạn.
Hôm 9/4, bạo lực liên tiếp xảy ra tại Sri Lanka bên ngoài Văn phòng tổng thống. Điều này đã khiến lực lượng cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để trấn áp đám đông biểu tình - Ảnh: AP
Ông Murtaza Jafferjee - Chủ tịch Viện tư vấn chính sách Advocata, Sri Lanka cho rằng: "Cuộc khủng hoảng Sri Lanka có nguyên nhân 30% do những rủi ro khách quan, nhưng 70% còn lại là do chính sách yếu kém. Việc vay nợ quá nhiều để chi cho dịch vụ công cùng hàng loạt đòn giáng mạnh, như thiên tai và COVID-19, khiến tình hình ngày càng tồi tệ".
Nguồn cung khan hiếm đẩy giá cả tăng vọt, lạm phát đã tăng lên tới hơn 54% vào tháng 6, theo Ngân hàng Trung ương Sri Lanka. Khảo sát của Liên Hợp Quốc cho thấy, cứ 5 người ở đất nước 22 triệu dân này thì có tới 4 người bắt đầu bỏ bữa vì không đủ tiền ăn. Tổ chức này cũng cảnh báo về "cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc" với hàng triệu người đang lâm vào cảnh khốn khó ở quốc đảo này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!