Hàng trăm nghìn người Palestine đang sống trong khu lều trại tạm bợ. Họ chạy khỏi các vùng chiến sự ở Gaza để đến đây nhưng Rafah giờ cũng không còn an toàn.
Ông Abu Ahmed - một người dân Palestine - nói: "Họ bảo chúng tôi đến Rafah, đó là khu vực an toàn. Hôm nay, họ lại bảo chúng tôi rời khỏi Rafah. Chúng tôi biết đi về đâu. 1,5 triệu người, 2 triệu người biết đi về đâu?".
Bà Aminah Adwan - một người Palestine khác - cho biết: "Chúng tôi thức dậy vào lúc 2h sáng vì tiếng bom đạn, trời thì mưa như trút, quần áo, đồ dùng, tất cả đều ướt sũng. Nhưng tin tức rời khỏi Rafah còn khủng khiếp hơn. Thảm họa tồi tệ nhất sẽ xảy ra tại Rafah. Tôi kêu gọi toàn thế giới Arab can thiệp để ngừng bắn, cứu giúp chúng tôi. Chúng tôi đã quá mệt mỏi".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lập ra kế hoạch dự phòng có tên gọi "Cứu giúp" (Band-Aid) để sẵn sàng ứng phó với một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào Rafah.
Những người Palestine ở Rafah đang không biết đi về đâu (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, kế hoạch dự phòng này cũng khó có thể ngăn chặn 1 cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Ông Rik Peeperkorn - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine - cho rằng: "Kế hoạch này không thể ngăn chặn được tỷ lệ tử vong và nguy cơ bùng phát dịch bệnh do một hoạt động quân sự gây ra. Ngoài ra, một hoạt động quân sự sẽ dẫn đến một làn sóng chạy nạn mới, đông đúc hơn và khả năng người dân tiếp cận thực phẩm, nước uống và vệ sinh thiết yếu sẽ trở nên khó khăn hơn. Chắc chắn tình hình vốn đã bất ổn lại càng tồi tệ hơn nữa".
Một cuộc tấn công quân sự tại Rafah sẽ giáng một đòn mạnh vào hoạt động viện trở nhân đạo cho cả vùng lãnh thổ Palestine bởi chiến sự tại Rafah cũng có nghĩa cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai cập sẽ phải đóng lại, trong khi hàng viện trợ và vật tư y tế được vận chuyển chủ yếu qua cửa khẩu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!