Biến thể Omicron "siêu đột biến" đang là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học cũng như chính phủ các quốc gia.
Ngày 23/11, biến thể Omicron đã được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm lấy từ ngày 14 - 16/11 ở Nam Phi. Ban đầu, các quan chức y tế Nam Phi nhận định, đây chỉ là một đợt dịch nhỏ bùng phát ở tỉnh Gauteng đông dân nhất nước này. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các mẫu vật, họ nhận ra rằng họ đang phải đối phó với một thứ nghiêm trọng hơn nhiều - một biến thể mới có thể là loại khó kiểm soát nhất.
Các nhà khoa học cho biết đã ghi nhận ít nhất 32 đột biến ở protein gai của biến thể này, nhiều gấp đôi số đột biến của biến chủng Delta. Thậm chí, một số đột biến lần đầu tiên được ghi nhận. Điều này có thể làm tăng khả năng lây lan cũng như né tránh vaccine của biến thể.
Biến thể Omicron có tới 32 đột biến trong protein gai. (Ảnh: News Sky)
Ông Eric Feigl-Ding, chuyên gia dịch tễ học, cho biết: "Biến thể này đáng lo ngại vì có nhiều yếu tố như lây lan rất nhanh tại Nam Phi, nhanh chóng thế chỗ của biến thể Delta tại khu vực này".
Các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện được Omicron. Các nhà khoa học vẫn đang thu thập thông tin về triệu chứng của những người mắc biến thể Omicron cũng như tác động đến cơ thể con người.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế người nhập cảnh từ Nam Phi và các quốc gia lân cận nhằm ngăn ngừa sự lây lan của biến chủng siêu đột biến này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!