Tại một trạm xăng ở thành phố Cologne của nước Đức, quang cảnh dường như không mấy khác thường, nhưng người tiêu dùng được phỏng vấn đã có những câu trả lời khác thường.
Chị Carolin Lemkol - TP Cologne, Đức nói: "Giờ chúng tôi phải quen với giá xăng cao, dù nó có điên rồ đến đâu. Vẫn phải lái xe, vẫn phải đi lại, vẫn phải tiếp tục sống".
Ông Bernd Mueller - 80 tuổi, TP Cologne, Đức theo dõi sát sao các con số nhảy nhót trên màn hình báo số tiền trong đau đớn. "Tháng 10, tháng 11 này tôi sẽ bỏ ô tô, lương hưu mà giá xăng cứ thế này thì phải bỏ bớt đi thôi".
Hiện Chính phủ Đức đang giảm áp lực lạm phát bằng việc giảm thuế xăng dầu, nhưng giá cả được dự báo rồi lại tăng trở lại. Vé tháng đi các phương tiện công cộng cũng được trợ giá xuống mức chỉ còn 9 euro (hơn 200 nghìn VNĐ). Nhưng chương trình này sẽ chỉ kéo dài 3 tháng, và người ở nông thôn thì không được lợi mấy vì hạ tầng giao thông công cộng bao phủ ít.
Ông Lars Wagner - Phụ trách Hiệp hội các công ty vận tải Đức phân tích: "Đi lại bằng phương tiện công cộng trên cả nước với giá 9 euro/tháng không phải mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai, ngành vận tải và cả các chính trị gia cũng không đủ sức duy trì được mô hình này. Hiện chính phủ đang chi khoảng 2,5 tỷ euro cho 3 tháng giảm giá, có thể suy ra 1 năm sẽ là 10 tỷ euro lấy từ tiền thuế dân đóng.
Vậy nên, chừng nào những hậu quả của đại dịch và cuộc xung đột Nga - Ukraine còn chưa thuyên giảm thì người Đức và người dân các nước chịu ảnh hưởng sẽ phải khẩn trương tư duy lại chuyện đi lại thời lạm phát".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!