Chỉ vài tháng trước, để làm gốm, ông Prajapati ở làng Modhera, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ phải quay bánh xe bằng tay để tránh hóa đơn tiền điện lên tới 1.500 rupee, tương đương 18,5 USD/tháng. Nhưng giờ đây, cỗ máy của ông đã chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời.
Ông Kesa Bhai Prajapati - Thợ gốm cho biết: "Trước đây, chúng tôi đã từng phải vật lộn để xoay bánh xe bằng tay, nhưng bây giờ chúng tôi không phải làm điều đó nữa vì nó chạy bằng năng lượng mặt trời. Điện từ năng lượng mặt trời đã giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và sản xuất nhiều sản phẩm hơn trong thời gian ngắn hơn".
Với khoảng 6.500 cư dân, ngôi làng của ông Prajapati chủ yếu là thợ gốm, thợ may, thợ đóng giày và làm nghề nông. Nhờ dự án Modhera trị giá 10 triệu USD do chính phủ liên bang tài trợ, hơn 1.300 tấm pin mặt trời đã được lắp đặt trên các mái nhà dân, tòa nhà cơ quan chính phủ.
Không chỉ được sử dụng nguồn năng lượng sạch và rẻ, ngôi làng của ông Prajapati vừa được chính phủ tuyên bố là ngôi làng đầu tiên của Ấn Độ chạy suốt ngày đêm bằng năng lượng mặt trời.
Bà Manjula Ben - Người dân làng Modhera, Ấn Độ chia sẻ: "Cảm giác thực sự tuyệt vời sau khi chúng tôi có năng lượng mặt trời. Tôi có thể bật quạt và ngủ trong nhà, tôi có thể nghỉ ngơi như tôi muốn. Chúng tôi đã từng luôn lo lắng về các khoản chi phí và hóa đơn tiền điện, nhưng sự căng thẳng đó giờ đã qua".
Ấn Độ, nước phát thải khí carbon lớn thứ ba thế giới, đặt mục tiêu đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió vào năm 2030 - tăng so với mục tiêu trước đó là 40%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!