Hai Ngoại trưởng Pháp và Đức kêu gọi một cuộc chuyển giao chính trị hòa bình khi họ gặp nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Damascus vào ngày 3/1.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đã có mặt tại thủ đô Syria để đàm phán thay mặt cho Liên minh châu Âu. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của các cường quốc phương Tây kể từ khi lực lượng đối lập lật đổ Tổng thống Syria cầm quyền lâu năm Bashar al-Assad vào tháng 12/2024.
Phát biểu với các nhà báo tại Đại sứ quán Pháp ở Damascus ngay sau khi đến thủ đô Syria từ Lebanon, Ngoại trưởng Pháp Barrot bày tỏ hy vọng về một Syria có chủ quyền, ổn định và hòa bình. Ông cũng nói thêm hy vọng rằng nguyện vọng của tất cả người Syria có thể trở thành hiện thực, nhưng đó là hy vọng mong manh.
Sau đó, ông Barrot kêu gọi chính phủ chuyển tiếp tại Syria đạt được thỏa thuận với chính quyền người Kurd ở khu vực Đông Bắc.
"Cần phải đạt được giải pháp chính trị với các đồng minh của Pháp, người Kurd, để họ được hòa nhập hoàn toàn vào tiến trình chính trị đang bắt đầu từ hôm nay" - Ngoại trưởng Barrot cho biết sau khi gặp gỡ các đại diện của xã hội dân sự tại Damascus.
Ngoại trưởng Pháp cũng kêu gọi chính quyền mới của Syria nhanh chóng liên hệ với một tổ chức giám sát vũ khí hóa học để họ có thể kiểm tra và tiêu hủy các kho dự trữ thuộc về chính quyền cũ.
Lãnh đạo mới của Syria Ahmad al-Sharaa giữa hội đàm với Ngoại trưởng Đức Baerbock (trái) và Ngoại trưởng Pháp Barrot tại Damascus, Syria, ngày 3/1 (Ảnh: AP)
Chuyến thăm của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp và Đức diễn ra vài tuần sau khi lực lượng do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ ông al-Assad. Trong một cuộc phỏng vấn với France24 và một nhóm các nhà báo nước ngoài vào tháng 12/2024, thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa đã kêu gọi các quốc gia phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Syria từ thời chế độ ông al-Assad.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước khi lên đường đến Damascus vào ngày 3/1, Ngoại trưởng Đức Baerbock cho biết chuyến thăm của bà là một tín hiệu rõ ràng, thay mặt cho EU để mở đường cho một khởi đầu chính trị mới giữa châu Âu và Syria, giữa Đức và Syria. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ phụ thuộc vào tiến trình chính trị của Syria trong tương lai.
HTS đã tìm cách trấn an các nước Arab và cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ cầm quyền thay mặt cho tất cả người dân Syria, bao gồm cả các nhóm tôn giáo thiểu số của nước này.
Các chính phủ phương Tây đã bắt đầu dần mở những kênh liên lạc với Sharaa và HTS - nhóm Hồi giáo dòng Sunni trước đây có liên kết với al-Qaeda, đồng thời tranh luận về việc có nên xóa tên nhóm này khỏi danh sách các tổ chức khủng bố hay không.
Bà Baerbock đã cảnh báo hôm 3/1 rằng chính quyền mới của Syria không nên thành lập một chính phủ Hồi giáo sau khi lật đổ nhà cầm quyền lâu năm al-Assad.
"Châu Âu sẽ hỗ trợ Syria trong quá trình chuyển đổi nhưng sẽ không tài trợ cho các cấu trúc Hồi giáo mới" - Ngoại trưởng Baerbock phát biểu với các phóng viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!