Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm Sochi (Ảnh: Getty)
Những ngày qua, thế giới đã chứng kiến những chuyển động rất đáng quan tâm qua những chuyến công du, trong đó có chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thành phố Sochi của Nga hôm 12/5, giữa bối cảnh Nga và Mỹ đối đầu căng thẳng suốt 16 tháng qua vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Đặc biệt, trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn từ chối lời mời tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít ở Nga. Vì thế, chuyến thăm của ông John Kerry được thế giới chờ đợi xem với hy vọng giúp hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng đó và hy vọng cho dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nga – Mỹ.
Tại cuộc gặp, ngoại trưởng của Mỹ và Nga tiếp tục nhấn mạnh đến thỏa thuận hòa bình Ukraine. Ông Trịnh Quang Thanh - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao ở Hà Nội – nhận định: “Thỏa thuận Minsk không mang lại hòa bình cho Ukraine, mà vấn đề còn phải được giải quyết trên thực địa. Theo tôi, thông điệp ở Sochi lần này không khác mấy so với Minsk. Có khác chăng là ở sự cam kết tham gia của Mỹ. Điều đó mở ra hy vọng về lực lượng tác động vào tình hình hiện nay trên thực địa. Ít nhất Nga và Mỹ có thể kiềm chế không để chiến sự ở Ukraine bùng phát trầm trọng hơn, đe dọa đến cả an ninh của châu Âu và trên thế giới”.
Theo ông Trịnh Quang Thanh, chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể mở ra tín hiệu tốt, giúp Nga và Mỹ giảm bớt tình hình xấu đi ở Ukraine, nhưng lại chưa thể mở ra khả năng hoàn toàn làm tan băng chiến tranh lạnh giữa hai bên.
“Trong quan hệ Nga – Mỹ, có một trở ngại còn lớn hơn vấn đề Ukraine. Đó là vấn đề ở Crimea. Theo quan điểm của Mỹ, việc sáp nhập Crimea vào Nga là một hành động xâm lược, vi phạm luật pháp quốc tế và không chấp nhận được. Nhưng Nga lại cho rằng, đó là hành động chính đáng vì vốn dĩ Crimea thuộc về Nga. Trong khi đó, Ukraine vốn vẫn được coi là khu đệm chiến lược mà Nga không thể cho phép ai vượt qua. Còn Crimea có tầm quan trọng về chiến lược toàn cầu đối với Nga. Chuyến thăm của ông John Kerry chưa thể giúp Nga và Mỹ tan băng chiến tranh lạnh, chừng nào vấn đề trong bất đồng Crimea chưa được thu hẹp. Nhưng tôi vẫn tin nếu đạt được thỏa thuận thành công, hai bên sẽ mở ra cơ hội hòa giải mới” - ông Trịnh Quang Thanh nói.
Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ John Kerry diễn ra ngay sau chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Đó cũng là một chuyến thăm gây chú ý bởi sự nở rộ của các hiệp định hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Đề cập về sự hợp tác này, ông Trịnh Quang Thanh cho rằng: “Quan hệ Nga – Trung Quốc chưa phải là liên minh chiến lược để đối đầu với các nước phương Tây. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi về vấn đề bên cạnh quan hệ Mỹ - Trung. Trên thực tế, Trung Quốc đang là quốc gia vươn lên rất mạnh mẽ và đây mới là đối thủ mà Mỹ muốn đối phó”.
Do đó, các cuộc đối thoại ở Sochi lần này vẫn được coi là một dấu mốc mới trong cuộc đối đầu Nga - Mỹ suốt hơn một năm qua, nhằm khai thông lại một kênh đối thoại trực tiếp thiết thực và hiệu quả giữa Mỹ và Nga sau một khoảng thời gian quan hệ hai bên căng thẳng. Báo chí quốc tế đã từng lo ngại sự căng thẳng là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng hai quốc gia lớn này đã có những dấu hiệu mở ra cơ hội hòa giải. Điều đó chắc chắn cũng sẽ tác động tới việc tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề nóng của thế giới trong thời gian tới.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ chương trình Toàn cảnh thế giới qua video sau:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.