Ngành du lịch ở nhiều quốc gia phụ thuộc nhiều vào lượng khách đến từ Trung Quốc mỗi năm. Hãng tin Bloomberg dẫn ý kiến của bà Stephanie Wissink, chuyên gia phân tích thị trường tập đoàn tài chính Jefferies LLC, cho rằng: "Khách du lịch Trung Quốc chi rất nhiều tiền mua sắm khi đi nước ngoài. Họ là nhóm khách quan trọng nhất trong ngành công nghiệp không khói".
Trung Quốc là quốc gia có số lượng người đi du lịch nước ngoài nhiều nhất thế giới. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, nỗi quan ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV lây lan từ Trung Quốc đã tác động đến ngành công nghiệp này. Các thành phố du lịch nổi tiếng, các khách sạn, trung tâm thương mại ở nhiều nơi trên thế giới trở nên vắng vẻ, khi lượng khách du lịch từ Trung Quốc giảm mạnh.
"THIÊN ĐƯỜNG SÒNG BẠC" VẮNG BÓNG NGƯỜI
Lo ngại dịch bệnh đã tạo nên một cảnh tượng vắng vẻ cực kỳ hiếm thấy ở Macao (Trung Quốc), nơi được coi là "thiên đường sòng bạc", giữa mùa du lịch cao điểm Tết Nguyên đán. Theo CNN, trong các sòng bạc nổi tiếng ở đặc khu này, các nhân viên từ người chia bài, phục vụ bàn, bảo vệ đều đeo khẩu trang y tế và số lượng những người chơi bạc giờ đây ít hơn cả số nhân viên này.
Các sòng bài nổi tiếng của Macao (Trung Quốc) vắng vẻ dù đang trong mùa cao điểm du lịch sau Tết Nguyên đán. Ảnh: CNN
Tại cổng của những sòng bạc, người đến chơi chỉ hở khẩu trang trước các máy kiểm tra nhiệt độ cơ thể, nhằm phòng tránh dịch trước khi lại đeo khẩu trang và tiến vào bên trong.
Sự bùng phát dịch coronavirus khiến các nhà chức trách tại đặc khu Macao bị sốc. Năm ngoái thành phố này tiếp đón tới 40 triệu lượt du khách, phần lớn là du khách Trung Quốc. Nhưng giờ đây đường phố vốn từng náo nhiệt đã hoàn toàn vắng vẻ. Những chiếc xe cứu thương thì liên tục di chuyển trong thành phố với các nhân viên trên xe đang mặc áo phòng dịch.
Theo chính quyền Macao (Trung Quốc), số khách du lịch đến thành phố này trong tháng 1 năm nay giảm 87% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp đây là mùa cao điểm nhất trong năm là Tết Nguyên đán.
Hiện đã có 8 trường hợp nhiễm virus nCoV được phát hiện, trong đó có một trường hợp chưa từng tới Vũ Hán nhưng cho biết trước khi nhiễm bệnh đã mua một con gà được nuôi ở tỉnh Quảng Đông.
VIRUS nCoV VÀ CÚ SỐC VỚI NGÀNH DU LỊCH CHÂU Á
Dòng khách Trung Quốc giảm mạnh đang làm tê liệt ngành công nghiệp không khói của hàng loạt quốc gia. Lượng khách Trung Quốc tới Thái Lan giảm 80% và ước tính khiến nước này mất khoảng 4,3 tỷ USD doanh thu từ du lịch trong quý I/2020.
Thái Lan là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc khi mỗi năm thu hút khoảng 11 triệu lượt người, chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế tới đây. Năm 2020, ngành du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 12 triệu lượt khách Trung Quốc nhưng ngay trong những tháng đầu năm, mục tiêu này đã bị "phá sản" bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Thái Lan đã phải tạm dừng đón các tour khách từ Trung Quốc.
Ông Anuthin Charnvirakul, Bộ trưởng Y tế Thái Lan, cho biết: "Cho tới thời điểm này, khách du lịch Trung Quốc đã gần như không sang Thái Lan nữa. Bởi vì chính phủ của họ cũng khuyến cáo hạn chế đi du lịch hoặc hủy bỏ các chuyến du lịch trong giai đoạn này".
Khách du lịch Trung Quốc đeo khẩu trang do lo ngại virus nCoV khi tới thăm thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP
Tại Nhật Bản, nơi du khách Trung Quốc chiếm khoảng 27% lượng khách nội địa, một loạt các chuyến du lịch theo tour của khách Trung Quốc mang về nguồn thu đáng kể cho các công ty du lịch như Kamome, công ty có trụ sở ở Tokyo. Theo công ty này, hơn 20.000 khách du lịch trọn gói Trung Quốc đã rút đơn đặt phòng trên tất cả các chuyến đi đến Nhật Bản cho đến ngày 10/2.
Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế hàng đầu tại Nhật Bản. Du khách Trung Quốc đã chi 15,6 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 36,8% tổng chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản.
Theo hãng phân tích dữ liệu du lịch ForwardKeys, khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường đón tiếp đến 75% du khách Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán. Nhưng giờ dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV đã giáng một đòn nặng nề. Đơn đặt phòng giảm 1,3% sau lệnh cấm, sau đó tiếp tục giảm 15% chỉ trong 1 tuần lễ. Riêng Trung Quốc đã đóng góp đến 51% GDP du lịch và di chuyển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018, theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Di chuyển thế giới.
Các hãng hàng không United, American, Delta hay British Airways, KLM, Air Canada và Lufthansa cũng đã dừng cung cấp dịch vụ đến và từ nhiều thành phố của Trung Quốc; trong khi các hãng như Cathay Pacific đã giảm đáng kể chuyến bay.
Nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay đến các thành phố của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Ngày 31/1, Mỹ ban bố tạm cấm nhập cảnh với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 14 ngày qua. Bộ Y tế Singapore cũng cấm tất cả những người từng đến Trung Quốc trong 14 ngày qua đến hoặc quá cảnh tại nước này.
Mông Cổ, Hàn Quốc và Nga cũng đã đóng một phần hoặc toàn bộ biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
DỊCH nCoV GÂY HẬU QUẢ KINH TẾ NẶNG NỀ HƠN DỊCH SARS
Bà Luya You, chuyên gia phân tích vận tải quốc tế, chia sẻ trên tờ Bloomberg: "Mọi người lấy thời điểm dịch SARS năm 2003 làm tiêu chuẩn để so sánh. Tuy nhiên ngày nay số người Trung Quốc đi nước ngoài nhiều hơn trước rất nhiều. Việc hạn chế đi lại, dừng các chặng bay thời điểm này sẽ khiến mức độ thiệt hại kinh tế cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2003". Khi dịch SARS hoành hành năm 2003, chỉ có 20 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Còn trước khi dịch nCoV bùng phát tháng 12/2019, con số đó là hơn 160 triệu lượt người.
Ngành khách sạn chịu thiệt hại lớn trong mùa dịch bệnh do virus nCoV gây ra. Ảnh: AFP
Bà Jane Sun, Giám đốc Điều hành Trip.com, công ty dịch vụ đặt vé máy bay và phòng khách sạn, cho rằng ngành du lịch phải cố gắng chịu đựng giai đoạn bùng phát dịch này. Tuy nhiên các đơn vị trong ngành cũng cần chuẩn bị, ngay khi đỉnh điểm dịch qua đi, lượng khách quốc tế có thể tăng mạnh trở lại.
"Khi dịch SARS được kiểm soát, nhu cầu đặt dịch vụ của khách hàng tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba", bà Sun cho biết.
Dịch SARS đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 30-50 tỷ USD. Trung Quốc mất 16 tháng để phục hồi tình trạng trước khủng hoảng. Giới quan sát bày tỏ sự tin tưởng khi lần này, chính phủ Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với hậu quả của đợt dịch. Một trong những lí do là Trung Quốc đã có những phản ứng nhanh và quyết liệt hơn nhiều với thời điểm dịch SARS xảy ra.
Nguồn: CNBC, Bloomberg, CNN, Reuters
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!