Ngành công nghiệp bảo dưỡng máy bay tăng tốc trên toàn cầu

Việt Linh-Thứ sáu, ngày 19/07/2024 11:23 GMT+7

VTV.vn - Ngành công nghiệp bảo dưỡng máy bay đang tăng tốc trong bối cảnh ngành vận tải hàng không toàn cầu chứng kiến đà tăng trưởng bùng nổ sau đại dịch.

Ngành vận tải hàng không toàn cầu đang đứng trước thách thức lớn từ các vấn đề trong chuỗi cung ứng, nhất là từ các ông lớn sản xuất máy bay. Vì vậy, một hoạt động khác đang nổi lên mạnh mẽ như lựa chọn thay thế thích hợp với các hãng hàng không và vận tải. Đó là đặt chỗ tại các đơn vị sửa chữa, vận hành bảo dưỡng... để duy trì hoạt động của đội bay hiện nay trong những năm tới.

Có trụ sở tại Malaysia, ADE là chi nhánh của hãng hàng không Air Asia chuyên trong lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành máy bay, gọi tắt là MRO. Từ vài năm qua, công ty này đã chứng kiến nhu cầu tăng cao đột biến từ khách hàng là các hãng vận tải hàng không tại khu vực châu Á.

Ông Maesh Kumar (Giám đốc điều hành, Công ty Dịch vụ máy bay ADE) cho biết: "Các chỗ trống của chúng tôi đã được đặt trước cho tới hết năm sau, ngay cả với những xưởng sửa chữa mà chúng tôi chưa đưa vào vận hành. Vì nhu cầu là rất cao so với nguồn cung nên các khách hàng đều đặt chỗ trước từ 12 tháng trở lên. Có thể nói, ngành MRO đang hoạt động rất tốt".

Ngành công nghiệp bảo dưỡng máy bay tăng tốc trên toàn cầu - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp bảo dưỡng máy bay tăng tốc trên toàn cầu (Ảnh: Aviation Maintenance Institute)

Nhu cầu với hoạt động MRO đã tăng cao ngay từ đại dịch khi các hãng hàng không lên kế hoạch cơ cấu lại và định hướng kéo dài tuổi thọ của đội bay. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không phục hồi với tốc độ chóng mặt, với số lượt khách đi máy bay dự kiến vượt mức trước đại dịch COVID-19 ngay trong năm nay, càng thúc đẩy các hãng hàng không chạy đua đặt chỗ tại các đơn vị MRO.

Theo ông Maesh Kumar, để kéo dài hoạt động đội bay từ 12 lên 18 năm, các hãng hàng không cần đảm bảo có đủ dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa thêm 6 năm. Đây là một cơ hội lớn cho các đơn vị MRO, đặc biệt là trong khoảng 5 - 6 năm tới.

Một yếu tố nữa cũng có tác động mạnh đến lĩnh vực này là sự gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất máy bay. Bên cạnh việc ông lớn Boeing phải giảm công suất sau sự cố dòng 737 MAX, vụ việc lỗi linh kiện của những nhà cung cấp động cơ như CFM và Pratt & Wittney cũng càng làm chậm thêm thời gian giao hàng.

Tính đến hết năm 2023, số lượng đơn hàng tồn đọng của 2 hãng Airbus và Boeing đã cao gấp 12 lần lượng máy bay giao thành công. Những yếu tố này càng làm tăng thêm cơ hội cho lĩnh vực sửa chữa và bảo dưỡng máy bay trong những năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước