Hãng Reuters đưa tin, chính sách sửa đổi của Ngân hàng Thế giới (WB) về các cam kết chống biến đổi khí hậu nhằm đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với nỗ lực hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn chưa cho thấy cam kết thể chế tài chính sẽ ngừng cấp vốn cho nhiên liệu hóa thạch.
WB, tổ chức cung cấp tài chính lớn nhất về vấn đề khí hậu cho các nước đang phát triển, đang hoàn thiện kế hoạch hành động 5 năm mới về chống biến đổi khí hậu trước sức ép ngày càng tăng từ Anh, Mỹ và các quốc gia khác nhằm chấm dứt việc cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch phát thải cao.
Ngược với chính sách dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ, cổ đông lớn nhất của WB, đang soạn thảo các kế hoạch dưới thời Tổng thống Joe Biden nhằm chấm dứt chương trình cấp vốn của Mỹ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch quốc tế.
Trong 5 năm qua, WB đã cấp 83 tỷ USD cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh: AP)
Một bản thuyết trình nội bộ phác thảo kế hoạch khí hậu mới của WB cam kết điều chỉnh dòng vốn của tổ chức này phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 7/2023.
Theo bản thuyết trình, hai tổ chức trực thuộc WB là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), sẽ điều chỉnh 85% nguồn tài chính trực tiếp của các công ty này phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 7/2023 và 100% vào tháng 7/2025.
Trong đó, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư nhằm chuyển đổi năng lượng, các mạng lưới sản xuất lương thực, giao thông và chế tạo, những hệ thống có lượng khí thải lớn nhất, và tăng đáng kể sự hỗ trợ cho các nước đang muốn bỏ sử dụng than. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới không cam kết dừng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch như nhiều nhà vận động hối thúc.
Trong 5 năm qua, Ngân hàng Thế giới đã cấp 83 tỷ USD cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!