Người dân Ukraine bàng hoàng khi một tòa nhà ở trung tâm thành phố Kharkov bị ném bom, tháng 6/2024 (Ảnh: AFP)
Vào đầu tháng 4, một số cư dân Ukraine tại vùng Kharkov nhận được một loạt tin nhắn văn bản yêu cầu họ nhanh chóng rời khỏi thành phố trước khi bị lực lượng Nga bao vây. Thậm chí, trong tin nhắn còn có logo của Cục Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine, đồng thời vạch ra các tuyến đường thoát hiểm an toàn với đồ họa thông tin bắt mắt.
Thế nhưng, ông Volodymyr Tymoshko, Cảnh sát trưởng của vùng Kharov, khẳng định: "Đó là tin giả", bởi ông sẽ là một trong những người đầu tiên được thông báo về bất kỳ kế hoạch sơ tán chính thức nào. Ông Tymoshko cho rằng: "Đây là một hoạt động thao túng tâm lý, gây ra sự hoảng loạn, làm người dân hoang mang tột độ trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt".
Việc tung những thông tin sai lệch, giả mạo… là một trong những "đòn tâm lý" từng xuất hiện phổ biến trong các cuộc chiến tranh, tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của Internet và công nghệ kỹ thuật số, cuộc chiến Nga - Ukraine là cuộc xung đột lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến kể từ khi điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội ra đời.
Ông Tymoshko cho biết ông đã nhận được khoảng 10 tin nhắn tương tự qua SMS và Telegram vào tháng 4 và đầu tháng 5, thời điểm lực lượng Nga mở một mặt trận mới ở Đông Bắc Ukraine.
Ông Andriy Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch (CCD) của Ukraine, một chi nhánh của hội đồng an ninh quốc gia chia sẻ, cuộc tấn công bằng điện thoại đi kèm với một cuộc tấn công chớp nhoáng trên mạng xã hội khi quân đội Nga tiến vào Kharkov tăng lên rõ rệt. Số lượng các bài đăng trên mạng xã hội được chính quyền Ukraine phân loại là thông tin sai lệch về cuộc chiến đã tăng vọt lên hơn 2.500 bài mỗi ngày từ tháng 3 đến tháng 5.
Một quan chức an ninh Ukraine giấu tên thừa nhận với hãng tin Reuters rằng Kiev đã sử dụng các chiến dịch trực tuyến nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần phản chiến trong người dân Nga, mặc dù ông mô tả nỗ lực này là "chiến lược truyền thông" nhằm truyền bá thông tin chính xác về cuộc xung đột.
Bộ ngoại giao Nga và Tổng cục An ninh Liên Bang Nga FSB đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc người dân Ukraine bị tấn công bởi thông tin giả mạo.
Trong khi đó, Moscow cáo buộc Ukraine và phương Tây phát động một cuộc chiến thông tin tinh vi chống lại người Nga, thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông lớn, quan hệ công chúng và tài sản công nghệ của phương Tây để gieo rắc những câu chuyện sai lệch và thiên vị Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!