Trụ sở Gazprom Germania tại Berlin, Đức, ngày 1/4/2022. (Ảnh: Reuters)
Danh sách bị trừng phạt gồm 31 công ty năng lượng của phương Tây, trong đó có EuroPol Gaz (Ba Lan), Gazprom Germania và 29 công ty con của Gazprom Germania tại Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Bulgaria, Singapore...
EuroPol Gaz là chủ sở hữu tuyến đường ống dẫn khí đốt Yamal - châu Âu tại Ba Lan. Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm giao dịch và cấm tàu của các doanh nghiệp này vào các cảng của Nga.
Thời gian qua, phương Tây đã liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, từ việc đóng băng tài sản cho đến lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm chiến lược như chất bán dẫn và các biện pháp trừng phạt tài chính.
Đường ống dẫn khí đốt ở Beregdaroc, Hungary, thuộc hệ thống dẫn khí đốt từ Nga vào Liên minh châu Âu. (Ảnh: Reuters)
Cùng ngày, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố, yêu cầu của Moscow về việc khách hàng châu Âu phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble sẽ không dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung.
Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Draghi cho biết, ông có thể đưa ra tuyên bố lạc quan trên là do hiện chưa có tuyên bố chính thức về việc vi phạm lệnh trừng phạt, cũng không có quy định cụ thể rằng việc thanh toán bằng đồng Ruble có vi phạm lệnh trừng phạt hay không. Trên thực tế, hầu hết các nhà nhập khẩu khí đốt đã mở tài khoản bằng đồng Ruble với Gazprom.
Hiện có khoảng 10 nước châu Âu đồng ý thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng Ruble theo yêu cầu của Tổng thống Putin đối với các nước không thân thiện kể từ ngày 1/4 vừa qua.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo rằng, việc tuân thủ kế hoạch thanh toán bằng đồng Ruble của Nga có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.
Italy đang phụ thuộc năng lượng vào Nga, với 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm 2021. Quốc gia này hiện đang khẩn trương tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!