Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 14/1, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải diễn ra trong khuôn khổ Á - Âu rộng hơn để giải quyết các vấn đề địa chính trị lớn hơn.
"Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về những đảm bảo an ninh cho quốc gia hiện được gọi là Ukraine và các khu vực của quốc gia đó vẫn chưa xác định được tình trạng của họ, không giống như Crimea, Donbass và Novorossiya" - ông Lavrov tuyên bố trong cuộc họp báo.
Moscow coi bán đảo Crimea cũng như các khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk là những bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Nga. Crimea đã được sáp nhập vào Nga trên cơ sở cuộc trưng cầu dân ý sau cuộc đảo chính vũ trang do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev năm 2014. Trong khi đó, các khu vực khác được sáp nhập vào Nga trong năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý được người dân địa phương ủng hộ.
"Bối cảnh Á - Âu sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán vì phần phía Tây của lục địa này không thể tách biệt khỏi những "người khổng lồ" như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, vịnh Ba Tư, và toàn bộ Đông Nam Á với hàng trăm triệu người, bao gồm cả Bangladesh và Pakistan" - Ngoại trưởng Lavrov giải thích.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (Ảnh: TASS)
Ông tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp khu vực: "Chúng ta phải định hình lục địa để đảm bảo rằng các vấn đề ở phần trung tâm của lục địa này, ở Trung Á, Kavkaz, vùng Viễn Đông, eo biển Đài Loan, trên Biển Đông được các quốc gia trong khu vực giải quyết".
Tổng thống Ukraine Zelensky đã bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga trong năm nay, nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ những nước phương Tây ủng hộ Kiev. Ông Zelensky luôn ủng hộ các đảm bảo an ninh vững chắc, xác định tư cách thành viên NATO là giải pháp tối ưu cho an ninh lâu dài của Ukraine.
Tuy nhiên, Moscow cho rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev là một trong những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột đang diễn ra, đồng thời khẳng định rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải dẫn đến sự trung lập và phi quân sự hóa của Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định Moscow sẵn sàng tham gia đối thoại với Kiev, lưu ý rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng các hoạt động quân sự và thừa nhận thực tế lãnh thổ hiện tại.
Vào tháng 7, Tổng thống Putin cho biết Ukraine có quyền đảm bảo an ninh của nước này, nhưng khẳng định rằng điều này không được gây tổn hại đến sự an toàn của Nga.
"Mọi quốc gia đều có quyền đảm bảo an ninh của mình và lựa chọn các biện pháp mà họ cho là phù hợp" - ông Putin tuyên bố - "Nhưng việc đạt được an ninh của một nước phải trên cơ sở không được tạo ra mối đe dọa cho quốc gia khác".
Tổng thống Nga bày tỏ hy vọng rằng nguyên tắc này sẽ được xem xét trong các cuộc thảo luận về an ninh của Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga đã nêu bật một dự thảo thỏa thuận từ các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó nêu chi tiết các đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Nga cũng bác bỏ ý tưởng về một lệnh ngừng bắn tạm thời, cho rằng việc đóng băng xung đột sẽ cho phép lực lượng Ukraine tập hợp lại và chuẩn bị cho các cuộc giao tranh tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!