Theo một tài liệu do Chính phủ Nga công bố trực tuyến vào ngày 15/11, lệnh hạn chế xuất khẩu urani sang Mỹ này cũng liên quan đến việc xuất khẩu theo các thỏa thuận thương mại nước ngoài với những bên đã đăng ký trong phạm vi quyền tài phán của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một ngoại lệ đã được đưa ra đối với các nguồn cung cấp theo giấy phép một lần do Cơ quan Kiểm soát Kỹ thuật và Xuất khẩu Liên bang Nga cấp.
Quyết định được đưa ra theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vào tháng 9, Tổng thống Putin đã đề xuất hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu thô quan trọng về mặt chiến lược - bao gồm urani - ra thị trường toàn cầu để đáp trả các nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn Nga tiếp cận một số hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Sau đó, ông Putin đã phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ rằng bất chấp các hạn chế của phương Tây, Nga vẫn tiếp tục cung cấp một số loại hàng hóa ra thị trường thế giới "với số lượng lớn" và trong một số trường hợp, người mua đang tích trữ các sản phẩm của Nga.
Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật cấm nhập khẩu urani làm giàu của Nga, bất chấp những cảnh báo rằng động thái này có thể phản tác dụng đối với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, luật này vẫn cho phép tiếp tục nhập khẩu theo hệ thống miễn trừ.
Bộ Năng lượng Mỹ được phép ban hành lệnh miễn trừ cho đến năm 2028 trong trường hợp không có giải pháp thay thế nào cho urani làm giàu thấp của Nga hoặc nếu các lô hàng này vì lợi ích quốc gia. Lệnh cấm cũng cung cấp khoảng 2,7 tỷ USD tiền tài trợ liên bang để xây dựng năng lực làm giàu urani mới tại Mỹ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hạt nhân dân sự của nước này.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Nga đã cung cấp gần 25% lượng urani làm giàu để làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Washington vào năm 2022, trở thành nhà cung cấp nhiên liệu nước ngoài hàng đầu của Hoa Kỳ trong năm đó.
Mặc dù Mỹ có các mỏ urani riêng nhưng chúng không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Trong khi đó, Nga là quốc gia có tổ hợp urani làm giàu lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa công suất toàn cầu. Nhiên liệu này rất quan trọng đối với cả sản xuất điện hạt nhân dân sự và vũ khí hạt nhân quân sự.
Thị phần urani làm giàu của Nga ước tính vào khoảng 40%, với giá trị xuất khẩu 2,7 tỷ USD.
Nhà Trắng xem xét lệnh cấm urani của Nga VTV.vn - Mỹ đang xem xét lệnh cấm urani từ Nga bằng cách sử dụng quyền hành pháp của Tổng thống sau khi các nỗ lực của Quốc hội nước này bị đình trệ, Bloomberg đưa tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!