Ngày 6/5, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo nước này đã cho phép sử dụng vaccine 1 liều có tên Sputnik Light, một động thái có thể giúp tăng nguồn cung cấp vaccine COVID-19 ở các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Theo RDIF, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, chế phẩm do Viện Gamaleya của Nga phát triển có hiệu quả ngừa COVID-19 đạt 79,4% trong khi chỉ có giá dưới 10 USD/liều. Sputnik Light sẽ được xuất khẩu đến những quốc gia nơi dịch bùng phát mạnh, qua đó giúp làm tăng số người được tiêm chủng và hỗ trợ các nước này dập dịch.
Hiệu quả của Sputnik Light được tính toán dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập từ các đối tượng tham gia chỉ được tiêm một liều duy nhất từ ngày 5/12/2020 đến 15/4/2021. Sputnik Light là thành phần đầu tiên của vaccine Sputnik V. Cũng theo DIF, Sputnik Light chứng minh hiệu quả trước các biến thể virus SARS-CoV-2 mới. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau khi tiêm loại vaccine này.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya, cho biết, vaccine Sputnik Light ngừa COVID-19 đạt hiệu quả trong cả những mũi tiêm ban đầu, hay tiêm nhắc lại và có thể được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường khi kết hợp với các loại vaccine khác.
Theo ông Alexander, vaccine một liều sẽ giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan thông qua việc chủng ngừa cho các nhóm dân số lớn cũng như hỗ trợ miễn dịch cao ở những người đã bị nhiễm bệnh trước đó.
Trao đổi với báo giới, người đứng đầu RDIF Kirill Dmitriev cho biết, loại vaccine 1 liều này giúp rút ngắn thời gian tiêm chủng cho các khu vực có dân số đông, vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh. Ông cũng cho biết, Nga vẫn chủ yếu sử dụng vaccine 2 liều Sputnik V.
Trước đó, Nga đã cấp phép sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm Sputnik V, EpiVacCorona và KoviVac. Theo nhà chức trách, khoảng 8 triệu người Nga đã được tiêm đủ 2 liều vaccine Sputnik V.
Sputnik V 2 liều sẽ vẫn là vaccine chủ chốt cho chiến dịch tiêm chủng ở Nga. (Ảnh: AP)
Tháng 5/2021, các nhà khoa học Nga cho biết, vaccine Sputnik V có hiệu quả chống COVID-19 lên tới 97,6% trong chương trình đánh giá "thực tế" dựa trên dữ liệu từ 3,8 triệu người.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng dỡ bỏ độc quyền bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời hối thúc Chính phủ cân nhắc vấn đề này đối với các vaccine nội địa.
Trước đó một ngày, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với bằng độc quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên Washington "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19".
Theo bà Tai, đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt.
Động thái của Washington đã nhận được sự ủng hộ của Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu cùng các nước như Pháp và Đức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!