Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars trong buổi diễn tập duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow, Nga. (Ảnh minh họa: Sputnik)
Quá trình chấm dứt thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân đã được bắt đầu từ 6 tháng trước do điều mà Nga gọi là các chính sách "không thân thiện" của Nhật Bản.
Theo thỏa thuận được ký vào tháng 10/1993, Nhật Bản sẽ giúp Nga tháo dỡ phần lớn kho vũ khí nguyên tử của Liên Xô và hỗ trợ Moscow giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố: "Thỏa thuận giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Nhật Bản về hợp tác tháo dỡ vũ khí hạt nhân được giải trừ - được ký tại Tokyo vào ngày 13/10/1993 - đã hết hiệu lực kể từ ngày 21/5/2024".
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã công bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân vào tháng 11/2023, bắt đầu quá trình rút lui kéo dài 6 tháng. Theo Moscow, không thể tiếp tục hợp tác với một quốc gia không thân thiện về các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Nga "trong bối cảnh chính sách chống Nga công khai của Chính phủ Thủ tướng Kishida Fumio".
Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 23/5: "Việc cắt đứt quan hệ này là sự lựa chọn của phía Nhật Bản".
Nhật Bản đã lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, cùng Mỹ và EU trừng phạt Moscow. Vào tháng 3, Tokyo đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của 4 khu vực cũ của Ukraine sáp nhập vào Nga hồi tháng 9/2022 để tham gia cuộc bầu cử Tổng thống nước này.
Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức để chấm dứt Thế chiến II. Các cuộc đàm phán hòa bình đã bị hủy bỏ vào tháng 3/2022 sau khi Nhật Bản tham gia trừng phạt Nga.
Tokyo đã yêu cầu trả lại 4 quần đảo Kuril, trong khi Moscow lập luận rằng chủ quyền của họ đối với các vùng lãnh thổ này được đảm bảo bởi các thỏa thuận sau chiến tranh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!